Mẹ lên mạng kê đơn thuốc, con nhập viện cấp cứu
Trẻ bị chảy nước mũi, ho và có đờm, cộng thêm sốt nhiều ngày nhưng nhiều mẹ vẫn tự mua thuốc chữa cho con tại nhà. Đến khi bệnh tiến triển nặng, suy hô hấp, mới nháo nhào đưa con vào viện.
Con bị ốm, mẹ lên mạng cầu cứu
Cháu Vũ Thủy Th. (20 tháng tuổi, ở Hà Nội) được gia đình đưa tới bệnh viện vì sốt cao li bì và suy hô hấp nặng. Gần 1 tháng trước đó, cháu có biểu hiện thở khò khè và ho có đờm nhưng gia đình tự mua thuốc và khí dung cho cháu tại nhà. Tuy nhiên, bệnh cứ đỡ được vài ngày, các triệu chứng trên lại tái phát.
Ngày 7/9, khi thấy con sốt li bì không hạ, gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây cháu được chẩn đoán mắc bệnh viêm viêm tiểu phế quản thể nặng, suy hô hấp.
Một trường hợp khác cũng bị viêm tiểu phế quản hiện đang điều trị tại khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi trung ương là cháu Phạm Anh M. (9 tháng tuổi, ở Hà Nội).
Theo lời mẹ M. kể khi thấy con có các triệu chứng như ho nhiều, ngạt mũi, cứ ăn vào là nôn trớ, mẹ bé M. liền vào các trang diễn đàn để tìm hiểu và xin tư vấn của các mẹ có con nhỏ khác trên mạng.
Nhiều mẹ lên mạng kê đơn thuốc, con nhập viện cấp cứu
Được nhiều người tư vấn và giới thiệu các loại thuốc, mẹ M. tự mua thuốc theo đơn các mẹ trên mạng kê hộ, mang về cho con uống. Bé M. uống thuốc mấy ngày liền không đỡ, thậm chí còn bỏ ăn, không chịu bú. Lúc ấy, chị mới tá hỏa đưa con vào bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm tiểu phế quản, suy hô hấp độ 2.
TS.BS Lê Thị Hồng Hanh, Phó trưởng khoa Hô hấp, Bênh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận 20-30 trẻ vào điều trị, 50-60% trong số đó mắc viêm tiểu phế quản. Phòng khám ngoại trú chuyên khoa hô hấp của Bệnh viện cũng tiếp nhận 70-100 bệnh nhân nhiễm khuẩn hô hấp mỗi ngày, trong đó 40-50 trẻ bị viêm tiểu phế quản hoặc viêm tiểu phế quản có kèm bội nhiễm.
Triệu chứng của bệnh
BS Hanh nhấn mạnh: “Viêm tiểu phế quản là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính các phế quản cỡ nhỏ và trung bình do virus gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, rất hay gặp và dễ tái phát ở trẻ nhỏ trong 2 năm đầu đời. Phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời sẽ cho kết quả tốt, trái lại chẩn đoán muộn có thể khiến bệnh tình nặng lên, gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Lúc đầu trẻ hắt hơi, sổ mũi, sau đó ho tăng dần, có khò khè, thậm chí khó thở. Bệnh có thể bắt đầu bằng triệu chứng sổ mũi. Nặng hơn nữa trẻ có thể sốt cao, bỏ bú, tím tái, có dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái.
Nguyên nhân của bệnh do virus gây nên, dễ xuất hiện ở trẻ có sức đề kháng kém như trẻ đẻ non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai, mắc bệnh phổi mãn (đã được thở máy và thở oxy kéo dài), có các bệnh lý bẩm sinh…
Trẻ mắc viêm tiểu phế quản hoàn toàn có thể điều trị tại nhà: Cho trẻ uống đủ nước để làm loãng đờm, dịu ho. Sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%. Điều trị triệu chứng nếu có (uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt). Có thể uống thuốc trị ho, long đờm theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý tuyệt đối không tự mua thuốc kháng sinh để điều trị để phòng tránh nguy cơ kháng kháng sinh sau này.
Khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh nặng như: Trẻ sốt cao, dùng thuốc giảm sốt cũng không hạ, bỏ bú, nôn trớ, thở nhanh, khó thở, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, da tím tái cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.