Mẹ bắt 'ăn chay' từ khi chào đời, bé trai co giật vì suy dinh dưỡng nặng
Nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân, kết quả kiểm tra cho thấy các chỉ số natri, kali, calci, vitamin trong máu của bệnh nhi ở mức rất thấp. Bác sĩ khai thác tiền sử dinh dưỡng từ phía gia đình ghi nhận, từ khi chào đời bé chỉ được mẹ cho uống sữa hạt, ăn gạo lức với mè.
Ngày 16/3, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị suy dinh dưỡng thể phù (rối loạn dinh dưỡng gây tích nước trong cơ thể), thiếu đạm.
Bệnh nhi là bé trai L.H.L (22 tháng tuổi, ngụ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng co giật toàn thân. Theo bệnh sử, khoảng 4 ngày trước trẻ bị sốt nhẹ, ho, sổ mũi, quấy khóc. Đến ngày thứ 4 bệnh nhi co giật toàn thân được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Sữa hạt, gạo lức và mè là thực phẩm cháu bé được người mẹ cho ăn từ khi chào đời (ảnh minh họa)
Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, trẻ tiếp tục co giật. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận, trẻ bị phù toàn thân, da xanh xao, niêm nhạt. Khai thác tiền sử dinh dưỡng ghi nhận trẻ chỉ được mẹ cho “ăn chay” với gạo lức, mè, uống sữa hạt xay từ lúc sinh.
Kết quả điện giải đồ cấp cứu cho thấy bệnh nhi bị hạ natri máu nặng (còn 99.7 mmol/l, bình thường 135 – 145 mmol/l); hạ kali máu nặng (còn 2.5 mmol/l, bình thường 4.5-5 mmol/l); hạ calci tự do máu nặng còn 0,79mmol/l, bình thường 1-1,12mmol/l); nồng độ vitamin D trong máu giảm thấp còn 9.24 ng/ml, bình thường 20-63.7 ng/ml).
Các bác sĩ đã cho trẻ sử dụng thuốc chống co giật đồng thời điều trị bổ sung natri, kali, calci truyền tĩnh mạch cấp cứu giai đoạn đầu, sau đó bổ sung qua đường uống. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, hết co giật, tỉnh táo, xét nghiệm điện giải đồ máu trở lại bình thường.
Bệnh nhi đã được bác sĩ dinh dưỡng hội chẩn, điều chỉnh chế độ ăn thích hợp theo tuổi. Các bác sĩ đã tư vấn và hướng dẫn cho người mẹ cùng gia đình cách chăm sóc và dinh dưỡng phù hợp theo lứa tuổi của trẻ.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo ngoài sữa mẹ, trẻ dưới 2 tuổi cần được bổ sung thêm đa dạng các loại thực phẩm đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng như đạm, chất béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất. Các chất dinh dưỡng được cung cấp qua sự đa dạng của các loại thực phẩm như: rau củ quả, thịt, cá, tôm, trứng, sữa… Đây là nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Một số rắc rối có thể xảy ra khi những người có chế độ ăn bình thường thử ăn chay trong một thời gian để cải thiện một số chỉ số sức khỏe.
Nguồn: [Link nguồn]