MC Diệu Linh mắc ung thư máu, chuyên gia chỉ ra người có nguy cơ mắc cao

Sự kiện: Ung thư máu

Nữ MC Diệu Linh đang phải điều trị với căn bệnh ung thư máu giai đoạn 4. Theo các chuyên gia, ung thư máu là loại ung thư ác tính, tỉ lệ tử vong cao nếu không điều trị sớm. Lứa tuổi nào cũng có thể mắc, nhưng đối tượng sau nguy cơ mắc cao hơn.

Người nào dễ mắc ung thư máu?

MC Diệu Linh là gương mặt quen thuộc trong những bản tin thể thao. Mới đây, cô đã chia sẻ về việc mình đang nhập viện điều trị vì ung thư máu giai đoạn 4. Trước khi phát hiện bệnh, Diệu Linh thường bị mẩn ngứa, dị ứng nhưng nghĩ rằng chỉ dị ứng thông thường nên chủ quan bỏ qua. Sau đó, ở cổ xuất hiện nhiều hạch nên cô mới đi kiểm tra máu ở Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Kết quả phân tích kết luận cô bị ung thư máu.

Dù bệnh tật, Diệu Linh không buông xuôi, cô vẫn đi làm và cố gắng vượt qua những lần chọc tủy kiểm tra đau đớn. Căn bệnh dần khiến sức khỏe Diệu Linh suy yếu, phác đồ điều trị phải thay đổi. Bác sĩ nói, nếu không đáp ứng phác đồ điều trị hiện tại sẽ phải ghép tủy.

Nữ MC Diệu Linh đang phải điều trị căn bệnh ung thư máu

Nữ MC Diệu Linh đang phải điều trị căn bệnh ung thư máu

Trước MC Diệu Linh, căn bệnh ung thư máu từng cướp đi sự sống của nhiều nghệ sĩ như người mẫu – diễn viên Duy Nhân qua đời ở tuổi 29, nữ ca sĩ Tố Như… Và mới đây, mẫu nhí 4 tuổi Hà My từng được H'Hen Niê bế trên sàn catwalk cũng qua đời vì căn bệnh này.

Về căn bệnh ung thư máu, BS Lưu Thị Hà An (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho biết, ung thư máu có 2 loại bệnh phổ biến là bạch cầu cấp dòng lympho (nguyên nhân gây bệnh là do tế bào lympho bị ung thư hóa và tổn thương) và bạch cầu cấp dòng tủy (các tế bào dòng tủy như tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu hạt,... bị ung thư hóa gây ra).

Bệnh xảy ra khi các tế bào máu bị ung thư hóa ở quá trình tạo ra tế bào. Ung thư máu là loại ung thư ác tính, tỉ lệ tử vong cao nếu không điều trị sớm. Căn bệnh này lứa tuổi nào cũng có thể gặp phải. Nhưng người có nguy cơ mắc cao hơn cả là những người có tiền sử gia đình có bệnh ung thư máu; làm việc, thường xuyên tiếp xúc với môi trường có chứa nhiều chất phóng xạ hoặc hóa chất độc hại; Người mắc hội chứng Down, bệnh thay đổi gene như bệnh về máu…

Điều cần làm để phát hiện sớm ung thư máu

Để chẩn đoán ung thư máu và xác định loại ung thư mà người bệnh mắc phải, BS An cho rằng bác sĩ cần dựa vào kết quả của các xét nghiệm ung thư máu.

Hai loại xét nghiệm ung thư máu phổ biến nhất hiện nay là xét nghiệm máu và sinh thiết tủy xương. Xét nghiệm máu có thể xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu; Xét nghiệm kiểm tra sàng lọc nhiễm virus/nhiễm trùng hoặc xét nghiệm ure và chất điện giải… Tùy thuộc vào tình trạng, triệu chứng cụ thể, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm ung thư máu khác nhau.

Ngoài ra, cần làm thêm một số xét nghiệm hình ảnh khác như chụp MRI, siêu âm, chụp PET, X-quang… Những người bệnh trong quá trình điều trị cũng được tiến hành xét nghiệm theo định kì để theo dõi hiệu quả điều trị ra sao.

Theo chuyên gia ung bướu GS.TS Mai Trọng Khoa, điều khó khăn nhất là người bệnh thường chỉ phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng với những biểu hiện rõ ràng nên tỷ lệ tử vong cao.

Để điều trị căn bệnh ung thư này cần kết hợp đa phương thức. Biện pháp chủ yếu điều trị toàn thân như hoá trị kết hợp điều trị đích, ghép tủy/ tế bào gốc… Phương pháp điều trị như điều trị miễn dịch, miễn dịch phóng xạ… nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, nhất là trường hợp bệnh dai dẳng, tái phát với các phương pháp điều trị khác.

Các chuyên gia khuyến cáo, cũng như nhiều ung thư khác, ung thư máu phát hiện ở giai đoạn sớm càng có cơ hội điều trị tốt. Những dấu hiệu mọi người không nên bỏ qua vì chúng có thể cho biết bạn có thể mắc phải ung thư máu:

+ Nhức đầu: ung thư máu thường xuất hiện đau đầu dữ dội kèm da xanh xao, mệt mỏi. Hiện tượng này do suy thoái lưu lượng máu đưa lên não không cung cấp đủ oxi.

+ Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân là một trong những dấu hiệu sớm nhất của bệnh bạch cầu.

+ Chảy máu cam

+ Dễ bị bầm tím, nhiễm trùng và trên da xuất hiện những điểm đỏ nhỏ

+ Đau xương: Máu thường được sản xuất trong tủy xương, khi bị bệnh lượng hồng cầu suy giảm, bạch cầu tăng chèn ép, tác động lên các mô xương gây đau nhức. Tùy mức độ bệnh mà cơn đau khác nhau, thường đau ở khớp xương chân, đầu gối, cánh tay, lưng…

Ngoài ra, còn nhiều dấu hiệu khác nên mọi người cần lưu ý đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh.

Nếu có đốm đỏ hoặc tím trên da cùng với những dấu hiệu này hãy nghĩ ngay đến ung thư máu

Ở giai đoạn đầu, người mắc ung thư máu liên tục sốt cao, tần suất tăng dần nhưng vẫn có một vài trường hợp khác...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Ung thư máu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN