Mất tay, tàn phế vì chữa khớp không đúng

Thời tiết chuyển mùa, độ ẩm cao là lúc bệnh nhân khớp bị “trời hành”. Uống thuốc không đỡ, chuyển sang tiêm, rồi bôi, đắp các loại thuốc lá... Đó là cách chữa sai lầm của rất nhiều người bị bệnh khớp.

Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội) vừa cứu một bệnh nhân suýt mất bàn tay do tiêm thuốc vào tay để chữa khớp. Bệnh nhân là bà Lò Thị B, 61 tuổi (ở tỉnh Lai Châu) nhập viện trong tình trạng bàn tay phải sưng phù, tím đen, các ngón tay mất cảm giác, không cử động được.

Theo lời kể của bệnh nhân, một tháng trước khi nhập viện, bà B có biểu hiện bị đau hai khớp cổ tay. Bà B được  1 thầy thuốc về hưu ở địa phương tiêm hai loại thuốc là hydrocortison và lidocain vào tay. Sau khi tiêm, cánh tay bà B. đau dữ dội và tiếp tục được bác sĩ tiêm thêm 4 mũi giảm đau.

Tình trạng sức khoẻ ngày càng xấu đi, cánh tay đau đớn đến mức không thể chịu đựng nổi, bệnh nhân đã phải xuống Bệnh viện Việt - Đức điều trị. Sau một tuần điều trị, tay bệnh nhân đã bớt sưng nề, các mảng da tím đen thu hẹp, có dấu hiệu sống lại, nhưng vẫn có nguy cơ phải cắt bỏ một số đốt ngón tay.

Mất tay, tàn phế vì chữa khớp không đúng - 1

Suýt mất tay vì tiêm thuốc vào tay chữa khớp

Chị Thanh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) bị sưng đau các khớp ngón tay đã đến một phòng khám tư ở Hà Nội khám và được bác sĩ tiêm thuốc đặc trị khớp vào chỗ khớp đang bị sưng. Tiêm 1-2 mũi thuốc đầu, chị Thanh thấy các khớp đau hơn, không co duỗi được. Thông báo cho bác sĩ thì bác sĩ bảo phải tiêm 1 tuần mới đỡ. Nghe lời bác sĩ, chị Thanh cố tiêm đến mũi thứ 5 thì không thể chịu nổi, vội đến khoa Cơ xương khớp – BV Bạch Mai khám. Tại đây các bác sĩ thăm khám, siêu âm khớp... đã phát hiện chị Thanh bị viêm gân chứ không phải bị khớp và cho bệnh nhân một đơn thuốc về uống. Chỉ uống thuốc sau 2 ngày các ngón tay của chị Thanh đã giảm đau hẳn, co duỗi bình thường.

Sẽ tàn phế, nếu không điều trị đúng

Các bác sĩ của Khoa Cơ xương khớp – BV Bạch Mai khuyến cáo: Nếu không điều trị đúng cách bệnh viêm khớp, rất có thể dẫn đến các hậu quả như bị cứng các khớp, ngón tay co quắp lại, không cầm nắm được, tay không thể giơ lên cao, ngón chân bị trẹo ra ngoài, rất đau đớn... Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến tàn phế.

Các bác sĩ đã chỉ ra một số sai lầm của người bệnh trong chữa bệnh viêm khớp như: Bệnh nhân tự ý mua thuốc tây hoặc thuốc bắc trộn dexa về uống. Do đa số thuốc điều trị đều có corticoid nên nếu dùng lâu ngày, bệnh nhân sẽ bị phù hoặc loãng xương. Rất nhiều bệnh nhân đi khám một lần, uống thuốc thấy bớt, cứ thế lấy đơn cũ uống tiếp mà không tái khám theo hẹn của bác sĩ. Điều này rất nguy hiểm, vì bất cứ thuốc nào dùng lâu dài cũng có phản ứng phụ không tốt cho cơ thể. Phổ biến hơn là nhiều người khi thấy đau xương khớp thường đi giác hơi, cắt lể, lấy lá đắp, bó lên chỗ đau, có thể dẫn đến lở loét...

Bệnh khớp (thấp khớp cấp, viêm khớp dạng thấp, thoái khớp, viêm khớp mãn tính, viêm cột sống dính khớp, đau dây thần kinh tọa, gut...) là bệnh mang tính xã hội, chiếm tỉ lệ không nhỏ trong các bệnh nội khoa. Phần lớn các bệnh khớp thường mãn tính, việc điều trị lâu dài có khi suốt đời. Vì thế khi có các dấu hiệu của bệnh như: Cứng khớp vào các buổi sáng thức dậy, rồi sưng viêm và đau các khớp vai, khuỷu, cổ tay, bàn tay, đốt ngón tay, đầu gối, bàn chân, đốt ngón chân... bệnh nhân hãy đến ngay các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa về nội khớp để khám và điều trị sớm. Việc chữa trị cần kiên trì và phối hợp với thầy thuốc để có phương pháp điều trị kết hợp nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Anh (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN