Mất khứu giác, vị giác do COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Theo các chuyên gia y tế, khi mắc COVID-19, ngoài sốt, ho, đau họng, một số người còn mất khứu giác, vị giác

PGS-TS Trần Viết Luân, Tổng Thư ký Hội Tai Mũi Họng Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Tai Mũi Họng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), cho biết khoảng 50% người mắc COVID-19 mất khứu giác, vị giác.

Phải khám sàng lọc và xét nghiệm

Giải thích nguyên nhân vì sao mắc COVID-19 lại mất khứu giác, vị giác, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết virus SARS-CoV-2 có ái lực gắn kết với thụ thể ACE2, thụ thể này có rất nhiều ở tim, gan, thận, niêm mạc mũi, họng… Thụ thể ACE2 hiện diện nhiều ở niêm mạc mũi, ngoài ra còn có ở niêm mạc miệng, lưỡi và tuyến nước bọt, giúp SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào để gây bệnh. Do đó mắc COVID-19 có thể gây mất khứu giác và vị giác.

Thường xuyên mở cửa thông gió với bên ngoài, giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ để phòng COVID-19 và các loại bệnh hô hấp khác. (Ảnh chỉ có tính minh họa).Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thường xuyên mở cửa thông gió với bên ngoài, giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ để phòng COVID-19 và các loại bệnh hô hấp khác. (Ảnh chỉ có tính minh họa).Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Cơ chế COVID-19 gây mất khứu giác cho đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Có thể do phù nề niêm mạc mũi hoặc tổn thương ở hệ thần kinh khứu giác hoặc ở trung khu thần kinh khứu giác" - BS Hùng thông tin.

Theo PGS-TS Trần Viết Luân, bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng gần giống với cảm cúm thông thường như sốt, ho, mất khứu giác và vị giác. Bệnh nhân cảm lạnh thường sốt nhẹ, sổ mũi, đau họng, ho khan; trong khi bệnh nhân cúm có triệu chứng nổi bật như sốt cao, mệt mỏi nhiều, đau nhức cơ thể hoặc khó thở, suy hô hấp khi bị biến chứng viêm phổi. Còn bệnh nhân Covid-19 thì có thể có một hay nhiều triệu chứng của 2 bệnh kể trên. Trong đó thường gặp là sốt, ho, khó thở, mất khứu giác và vị giác.

Cần phân biệt với những người đã mất khứu giác lâu ngày do bệnh lý như viêm mũi xoang mạn có polyp mũi, mất khứu giác sau chấn thương hay bệnh Alzheimer. Khi dịch lan rộng trong cộng đồng, bệnh nhân nếu có bất kỳ triệu chứng nào kể trên thì phải nghĩ do COVID-19 trước tiên, cho đến khi có bằng chứng ngược lại.

"Mất khứu giác hoặc vị giác có thể là triệu chứng ban đầu, đôi khi là triệu chứng duy nhất của bệnh nhân COVID-19. Người bị mất khứu giác và vị giác cấp tính cần phải được khám sàng lọc và xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế" - PGS Trần Viết Luân nhấn mạnh.

5K và tiêm vắc-xin

Theo PGS Trần Viết Luân, mất vị giác thường là hậu quả của mất khứu giác, do bệnh nhân không ngửi được mùi nên vị giác cũng giảm theo. Cũng giống như bệnh nhân bị viêm mũi xoang mạn có polyp mũi, ngoài việc không ngửi được mùi, đôi khi còn than phiền giảm vị giác dù không bị tổn thương gì ở cơ quan cảm nhận vị giác. Ngoài ra, mất vị giác còn có thể do tổn thương trực tiếp ở các chồi vị giác ở lưỡi hoặc ở niêm mạc miệng hay tuyến nước bọt.

Mất khứu giác do COVID-19 thường kéo dài dưới 4 tuần. Một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân kéo dài vài tháng, rất hiếm trường hợp mất khứu giác vĩnh viễn. Nghiên cứu cho thấy đa số mất khứu giác do COVID-19 sẽ tự phục hồi, tỉ lệ tự phục hồi khoảng 90%.

Triệu chứng mất khứu giác và vị giác đa số là tạm thời, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, làm cho họ ăn uống kém, mất ngon.

"Khi bị mất khứu giác, vị giác, người bệnh cần bổ sung những món ăn có màu sắc đa dạng để giúp tăng cường cảm giác "ngon" của thị giác; thêm chất cay vào món ăn để tăng cảm giác của lưỡi; ăn thức ăn nóng sốt hay lạnh; ăn những thức ăn có mùi vị mà mình yêu thích trước đây" - PGS Trần Viết Luân tư vấn.

PGS Trần Viết Luân cho rằng phòng ngừa COVID-19 dễ làm và hiệu quả nhất vẫn là thực hiện tiêu chí 5K của Bộ Y tế và tiêm vắc-xin.

Virus SARS-CoV-2, nhất là chủng Delta hiện nay, có thể lơ lửng trong không khí trong điều kiện phòng kín máy lạnh, cơ thể sẽ mắc bệnh nếu hít vào; nhiệt độ thấp do máy lạnh cũng giúp virus sống lâu hơn. Do đó, để giảm thiểu lây lan, cần mở cửa sổ, tăng cường thông khí với bên ngoài, kết hợp với đeo khẩu trang, ngồi giãn cách và rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn có cồn hay xà phòng.

"Hạn chế dùng máy lạnh, tăng cường dùng quạt máy, mở cửa thông gió với bên ngoài sẽ giảm hiệu quả lây lan của virus SARS-CoV-2. Không chỉ phòng ngừa Covid-19 mà đối với các loại bệnh hô hấp, nếu càng đóng kín cửa thì nồng độ virus trong phòng kín sẽ càng dễ lây lan. Do đó, để làm tản và giảm mật độ virus trong không khí, cần giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ" - BS Lê Quốc Hùng khuyến cáo.

"Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn tiến phức tạp, không thể biết người nào đang mắc bệnh, vì vậy nên thực hiện nghiêm các khuyến cáo về giãn cách xã hội của chính quyền và không quên tuân thủ 5K” - BS Lê Quốc Hùng lưu ý.

Nguồn: [Link nguồn]

Tiêm vắc-xin COVID-19 xong có được miễn dịch suốt đời không?

“Sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, thời hạn miễn dịch bao lâu? Tiêm xong có được miễn dịch suốt đời không?”, là câu những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HẢI YẾN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN