Mất chân, tay vì ăn tiết canh
Bệnh nhân nam ngoài 40 tuổi, ở Hà Nam nhập viện Nhiệt đới trung ương được 2 ngày thì tử vong do bệnh viêm cầu lợn biến chứng. Tại BV nhiều bệnh nhân nhiễm viêm cầu lợn bị hoại tử phải cắt bỏ chân, tay thậm chí có bệnh nhân nặng đã tử vong. Được biết, tất cả bệnh nhân nhiễm viêm cầu lợn đều tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc ăn tiết canh lợn.
Trường hợp bệnh nhân N.V.H. 50 tuổi quê ở Phú Thọ nhập viện ngày 17/8 trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy gan, suy thận. Dù các bác sĩ phải lọc máu, điều trị tích cực suốt 24 giờ nhưng sức khỏe bệnh nhân vẫn rất xấu.
Đáng chú ý là trường hợp bệnh nhân P.V.T. quê ở Nghệ An nhập viện ngày 15/8, sau khi uống rượu và ăn tiết canh bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, đau đầu. Bệnh nhân được đưa đến BV Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng xuất huyết, sốc nhiễm khuẩn nặng, rối loạn đông máu và suy tạng cấp. Các bác sĩ cho bệnh nhân điều trị tích cực, lọc máu, thở máy nhưng đến thời điểm này sức khỏe của bệnh nhân vẫn rất nguy kịch.
Bệnh nhân nhiễm viêm cầu lợn đang điều trị tại BV Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thu Trịnh
Trường hợp cụ B. 90 tuổi quê ở Nam Định nhập viện ngày 4/8 trong tình trạng sốt, lơ mơ, rối loạn ý thức, xuất hiện hoại tử ở đùi, tay, vai….Theo người nhà bệnh nhân, cụ B ăn một bát tiết canh, ngày hôm sau cụ có biểu hiện sốt, rét run. Sau khi làm các xét nghiệm các bác sĩ kết luận cụ B bị nhiễm viêm cầu lợn. Cụ được điều trị tích cực, thở máy liên tục, sức khỏe tiến triển tốt và đã được xuất viện.
BS. Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh viêm cầu lợn lây từ người sang người có diễn biến nhanh và rất phức tạp. Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó nhận biết ngoài việc sốt cao, rét run. Nếu bệnh nhân nhập viện muộn nguy cơ tử vong là rất lớn. Nếu không may mắc bệnh thì bệnh nhân sẽ phải điều trị dài ngày và chi phí vô cùng tốn kém”.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, từ đầu năm tới nay, BV đã tiếp nhận gần 30 trường hợp mắc viêm cầu lợn, nhưng 80% số bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng bệnh nặng hoặc đã bị biến chứng. Trong số đó có nhiều ca ở thể viêm màng não nặng, sốc, hoại tử, suy đa phủ tạng. Đáng chú ý là hầu hết bệnh nhân nhập viện muộn đều đã tử vong.
Bệnh nhân nhiễm viêm cầu lợn nếu nhập viện muộn có thể tử vong
BS. Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo, để phòng bệnh viêm cầu lợn, người dân tuyệt đối không lựa chọn thịt lợn ốm, thịt không có nguồn gốc, khi sử dụng cần phải đun chín, tuyệt đối không ăn tiết canh. Khi giết mổ phải có các thiết bị phòng hộ như khẩu trang, găng tay. Nếu thấy thịt lợn có dấu hiệu lạ như xuất huyết hoặc phù nề thì tuyệt đối không sử dụng.
Nếu bệnh nhân có những biểu hiện như sốt cao, đau đầu, nôn, khó thở, nổi ban hoại tử trên người… thì cần tới ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.