Mạng xã hội truyền tin "uống thuốc dự phòng trước tiêm vaccine COVID-19 giảm phản ứng phụ", chuyên gia nói gì?
Ngày 29/6, trên mạng xã hội lan truyền tin nhắn cho rằng có thể ngăn ngừa các phản ứng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 bằng cách uống theo "đơn thuốc" được gửi.
Theo nội dung thông tin đang được lan truyền trên mạng xã hội, trước khi tiêm 30 phút, người tiêm uống 1 viên Xyzal hoặc Zyrtec hoặc Aerius hoặc Bilaxten... (thuốc chống dị ứng) và 1 viên có chứa paracetamol (thuốc hạ sốt, giảm đau). Sau tiêm khoảng 10 tiếng uống nhắc lại như trên.
Chuyên gia bác bỏ tính chính xác về chuyên môn trong tin nhắn lan truyền trên mạng xã hội "bày cách" giảm phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin COVID-19.
Chị L.T.H (cán bộ văn phòng ở Hà Đông, Hà Nội) cho hay biết tin chị sắp tiêm vắc-xin nên nhiều người chuyển tới chị tin nhắn này, khẳng định hoàn toàn có thể tin cậy.
ThS.BS Vũ Minh Điền - Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và công nghệ thông tin thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, người dân không nên tin và làm theo những thông tin không chính xác này.
Theo ThS Điền, chỉ có người có triệu chứng sau tiêm mới phải uống thuốc, không nên tự ý uống thuốc dự phòng như vậy. Không phải ai đi tiêm vắc-xin COVID-19 cũng có phản ứng sốt, dị ứng.
Chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay sau tiêm vắc-xin AstraZenceca khoảng hơn 10% người bị đau đầu, sốt/ớn lạnh, buồn nôn, đau cơ...; chưa đến 10% người bị sưng, đau vết tiêm; các phản ứng phản vệ, quá mẫn muộn hiếm khi xảy ra.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc-xin AstraZeneca, khoảng 30% người sốt, ớn lạnh sau tiêm, hơn 20% người bị đau khớp, buồn nôn... Phần lớn các phản ứng bất lợi ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và thường hết trong vài ngày sau tiêm chủng.
"Cùng đó, chưa có bất cứ nghiên cứu, đánh giá nào về vấn đề này trong khi người sử dụng có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có thể là "con dao hai lưỡi" - ThS Điền chia sẻ.
Vị chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không nên tin vào những tin đồn thất thiệt mà cần hỏi ý kiến bác sĩ. Trước khi tiêm, người tiêm được sàng lọc kỹ, được tư vấn, giải đáp các thắc mắc để có chỉ định phù hợp (được tiêm, trì hoãn tiêm hoặc chống chỉ định tiêm).
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, khi khám sàng lọc, thầy thuốc sẽ đánh giá tiền sử dị ứng của người được tiêm gồm: đã từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; tiền sử dị ứng nặng, bao gồm cả phản vệ; tiền sử dị ứng với vắc-xin và bất kỳ thành phần nào của vắc-xin.
Theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mới nhất vừa được Bộ Y tế ban hành, những người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi; người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (huyết áp cao, thấp, SpO2 thấp) được xem là người cần thận trọng khi tiêm chủng. Những người này phải đến cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu để tiêm và theo dõi.
Tính đến hết ngày 29/6, Việt Nam đã tiêm tổng cộng 3.593.970 liều vắc-xin phòng COVID-19.
Nguồn: [Link nguồn]