Mang thai hộ dễ bị lợi dụng thành thương mại hóa?

Trao đổi với PV Infonet về quy định "mang thai hộ vì lý do nhân đạo" trong dự thảo Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi, ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội - cho rằng người ta có thể lợi dụng quy định này để thương mại hóa.

Ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, luật lần này chỉ cho mang thai hộ vì lý do nhân đạo. Đã là mang thai hộ thì trứng và tinh trùng là phải của một đôi vợ chồng không thể sinh sản tự nhiên và kể cả nhân tạo cũng không làm được, do đó mới phải nhờ người khác mang thai và đẻ hộ.

Theo ông Thảo, người mang thai giúp thì cũng cần nghỉ ngơi, bồi dưỡng nhưng không được lợi dụng để thương mại hóa, đó không phải là một hợp đồng, nếu ngã giá bao nhiêu tiền, vì mục đích thương mại là bị cấm.

"Cái khó ở đây là chúng ta hướng tới mục đích nhân đạo khi cho phép mang thai hộ, nhưng khi mở ra thì người ta có thể lợi dụng để làm những điều sai trái, vậy thì phải tính tới các điều kiện để kiểm soát ngăn chặn", ông Thảo nhấn mạnh.

Mang thai hộ dễ bị lợi dụng thành thương mại hóa? - 1

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (ĐBQH Hà Nội) (Ảnh: Xuân Hải.

Ông Thảo phân tích: “Làm thế nào để kiểm soát được đúng là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là rất khó. Ngay cả bây giờ mang thai hộ đúng là vì mục đích nhân đạo, nhưng sau khi đẻ xong mà người mẹ lại nhận luôn đứa con do mình đẻ ra và không trả lại cho những người nhờ mang thai hộ thì sẽ xử lý thế nào? Bởi vì chúng ta chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nghĩa là giúp nhau thôi, chứ không phải là hợp đồng thương mại gì, vì thế cũng rất khó xử lý nếu có tranh chấp.

Trường hợp thứ hai là trường hợp thai nhi phát triển không bình thường, sau khi sinh ra những người nhờ mang thai không nhận đứa bé đó thì sao? Hậu quả đó ai sẽ gánh chịu? Rồi có những trường hợp sinh đôi, hoặc sinh ba, mà những người nhờ mang thai chỉ muốn nhận một đứa trẻ, còn lại thì tính sao?... Nói tóm lại là việc cho phép mang thai hộ vì nhân đạo thì nhìn ở khía cạnh tích cực tốt thật, nhưng vì có nhiều điểm phát sinh như vậy nên cũng phải cân nhắc cẩn trọng, tôi nghĩ là không đơn giản”.

Để ngăn chặn vấn đề thương mại trong mang thai hộ, ông Thảo cho rằng, kiểm soát nhân đạo hay không nhân đạo là vấn đề rất khó, nếu người mang thai hộ có quan hệ gia đình họ hàng với những người nhờ mang thai hộ thì sẽ đảm bảo hơn, chứ nhờ một người xa lắc xa lơ hoặc một người không có quan hệ gì cả mà bảo là hộ thì khó rồi, nó sẽ rất dễ gắn tính thương mại vào đó.

“Trong luật quy định đã có nhưng Chính phủ cần có những quy định cụ thể hơn để ràng buộc, ví dụ như để mang thai hộ không mang tiếng là thương mại thì anh cho phép người ta được nhận thù lao đến mức độ nào trong môi trường sức khỏe người ta cho  phép, việc nó là chính đáng thì phải được chứ, nhưng cơ quan nhà nước cần đứng ra làm trung gian để xác định. Bên cạnh đó có những trường hợp đôi vợ chồng nhờ mang thai họ có điều kiện kinh tế thì cho bao nhiêu đấy là việc của người ta, cũng không có gì coi là thương mại. Còn nếu mà bên mang thai hộ ra giá là không được.

Thêm một cái nữa là mỗi người chỉ được mang thai hộ 1 lần, cái này có thể giám sát được vì những trường hợp mang thai hộ đều có kiểm soát về y tế. Có thêm một điểm liên quan nữa là trong sổ hộ tịch cần ghi rõ với trường hợp mang thai hộ để cơ quan chức năng kiểm soát được việc này”, ông Thảo chia sẻ.

Trước những lo ngại người mang thai hộ sau này muốn nhận con hoặc đứa con sau này muốn nhận người mẹ đẻ ra mình thì sẽ nảy sinh hệ lụy, ông Thảo cho hay, vấn đề này thì phải theo thỏa thuận của bố mẹ đứa trẻ và người mang thai hộ.

“Nước ngoài họ cũng có quy định, người nhận nuôi ra điều kiện của bố mẹ đứa trẻ là cắt đứt mọi mối quan hệ. Khi ký kết với Việt Nam thì cũng có nước họ ra điều kiện như thế nhưng mình thì sợ chẳng may đứa trẻ bị ngược đãi, quyền lợi của trẻ không được bảo đảm thì làm sao có thể đưa đứa trẻ trở về với bố mẹ của nó, cho nên vấn đề này phải tính toán kỹ. Hay cũng có thể quy định không cho quan hệ qua lại một cách trực tiếp khi đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi, còn sau khi đủ tuổi công dân rồi thì nó có quyền được biết về người mang nặng đẻ đau sinh ra mình, cái đó cũng tốt, nhưng dù sao cha mẹ thì không thể thay thế được”, ông Thảo đưa ra ý kiến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hải (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN