Mang họa vì "thần dược" gia truyền

Tin vào loại thuốc Đông y chữa bách bệnh, nhiều bệnh nhân bị biến chứng phải nhập viện cấp cứu.

Bệnh gì cũng chung một thứ thuốc

Bác sĩ Đào Duy Khanh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết thời gian gần đây tuần nào cũng gặp vài trường hợp bị biến chứng do sử dụng thuốc Đông y.

Đó là trường hợp của chị Trần Thị Trang, 53 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp. Chị Trang đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám trong tình trạng mặt sưng to, phù nặng. Sau khi điều tra bệnh sử bác sĩ biết được chị bị đau khớp, đi khám thầy lang.

Thầy lang bán cho chị Trang thuốc dạng viên tễ, kêu về uống sẽ thấy… thần hiệu.

Mang họa vì "thần dược" gia truyền - 1

Những thanh thuốc đông y do “lang băm” cấp cho bệnh nhân, khó quản lý chất lượng. Ảnh minh họa SGGP

Chị Trang tâm sự: “Vài ngày đầu sau khi uống thuốc tác dụng rất tốt. Tôi ăn, ngủ được và bớt đau. Tiếp tục uống thêm 1 tuần thì tôi vô cùng hốt hoảng bởi mặt sưng to, tay và chân mọng nước.”

Tương tự trường hợp của chị Trang, là ông V.Đức, sinh năm 1937, ngụ tại Thủ Đức cũng tới khám vì nôn ra máu, huyết áp đột ngột tăng cao.

Ông Đức kể rằng mình mắc chứng bệnh nhức mỏi xương khớp tuổi già, nghe đồn có thầy lang cho thuốc hay nên tới khám.

Mang họa vì "thần dược" gia truyền - 2

Bác sĩ Khanh cho biết nhiều bệnh nhân nhập viện do uống thuốc Đông y gia truyền. Ảnh: Thanh Huyền.

Ai dè, khi uống thuốc được chừng hai tuần ông Đức bị nôn ra máu, bụng cồn cào, quặn đau.

Ngoài ra còn có trường hợp của anh Nguyễn Văn Bình, ngụ tại Biên Hoà (Đồng Nai), nhập viện trong tình trạng suy thận cấp. Nguyên nhân gây bệnh của anh Bình cũng do uống thứ thuốc Đông y gia truyền nói trên.

Theo bác sĩ Khanh, thời gian gần đây, tuần nào Bệnh viện cũng tiếp nhận vài trường hợp khai do uống thuốc Đông y bị biến chứng.

Lời kể của các bệnh nhân đều giống nhau như có một thầy lang cho thuốc tự bào chế dạng viên tễ. Thuốc này quảng cáo công dụng chữa bách bệnh. Vài ngày đầu uống thuốc bệnh nhân ăn, ngủ được, giảm đau nhức nhưng tiếp tục uống thuốc kéo dài sẽ bị các triệu chứng như mặt sưng to, tay chân phù nề, nôn ra máu, viêm bao tử nặng, thậm chí có bệnh nhân bị suy thận…

Sau khi xem xét thứ “thần dược” được một bệnh nhân đem tới, bác sĩ Khanh phát hiện đó chính là Dexamethasone 5mg (thuốc có tác dụng kháng viêm) trộn với cơm cháy rồi nghiền ra, vo viên lại.

“Tất cả các bệnh nhân, dù bị bệnh gì cũng được ông lang cho uống thứ thuốc này. Do tác dụng kháng viêm của Dexamethasone nên lúc mới uống bệnh nhân cảm giác bớt đau. Tuy nhiên thực tế cho thấy nếu tiếp tục uống lâu dài sẽ ảnh hưởng tới bao tử, cao huyết áp, suy thận, phù nề. Trường hợp nặng còn bị nôn ra máu, loãng xương dẫn tới dễ bị gãy xương.”, bác sĩ Khanh cho biết.

Uống thuốc bừa bãi hậu quả khôn lường

Theo bác sĩ Khanh, ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi lần cho toa các bác sĩ còn phải cân nhắc kỹ về tương tác thuốc hay cách sử dụng, thời gian sử dụng để tránh xảy ra tác dụng phụ cho bệnh nhân. Việc sử dụng thuốc bừa bãi theo kiểu lang băm như trên quả thật rất nguy hiểm.

Có những loại thuốc khi uống phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Ví dụ như Coticoid (một loại thuốc kháng viêm) nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ gây phù nề, ức chế làm hư thận. Hoặc một số loại thuốc chữa loãng xương phải uống vào sáng sớm lúc đói, khi vừa uống xong không được nằm, tránh trào ngược dịch từ bao tử làm viêm thực quản…

Đối với các loại thuốc bổ tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn phải theo chỉ định của bác sĩ. Chẳng hạn, thuốc bổ uống trước khi ăn vào buổi sáng sẽ hấp thu tốt hơn.

Bên cạnh đó, với những người có bệnh lý đang sử dụng thuốc khi đi khám vì một bệnh khác cũng cần kể rõ quá trình bệnh sử để bác sĩ cho toa tránh tương tác thuốc.

Từ đó bác sĩ Khanh cảnh báo người dân không nên nghe đồn hoặc tự ý mua thuốc điều trị bệnh cũng như đi khám ở những cơ sở lang băm thiếu uy tín kẻo “tiền mất tật mang”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Huyền (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN