Mãn kinh tuổi 30: Mối nguy với chị em
Phụ nữ trẻ mãn kinh sớm không chỉ tác động xấu đến tâm lý mà còn rút ngắn thời gian sinh sản và phải đối mặt với nguy cơ mắc một số bệnh như loãng xương, tim mạch…
Mãn kinh quá sớm, dễ mất cơ hội làm mẹ
Mới 34 tuổi, lấy chồng chưa được bao lâu, chị Hà Giang ở Việt Trì, Phú Thọ sốc vô cùng khi bác sĩ kết luận chị khó có cơ hội làm mẹ.
Từ khi dậy thì, chu kỳ kinh của chị luôn đều đặn nhưng một năm trở lại đây chị luôn bị thất thường, có tháng kéo dài hàng chục ngày, tháng thấy hai lần, rồi có khi 2 - 3 tháng không có.
Lập gia đình muộn nên chị mong mỏi có con từng ngày. Chị rất chú ý chế độ nghỉ dưỡng, bồi bổ để sẵn sàng làm một bà mẹ khỏe mạnh nhưng mãi mà vẫn "bặt vô âm tín". Dù biết rõ chu kỳ kinh thất thường như vậy nhưng vì quá bận việc cuối năm nên chị chần chừ không đi khám sớm. Một lý do khác khiến chị chủ quan là vì chị nghĩ chị làm việc căng thẳng đã gây rối loạn kinh nguyệt.
Cho đến khi tình trạng không có kinh kéo dài gần nửa năm chị mới giật mình đến bệnh viện khám. Bác sĩ kết chị có dấu hiệu mãn kinh sớm, buồng trứng sản xuất trứng thất thường nên khả năng có con của chị không cao. Bác sĩ phân tích thêm, mãn kinh sớm có nhiều nguyên nhân chưa giải thích được, trong đó có thể do di truyền vì mẹ đẻ chị cũng mãn kinh từ khi chưa đến 40 tuổi.
Nhiều chị em chủ quan không đi khám sớm khi có dấu hiệu bất thường để rồi bị mãn kinh sớm. Ảnh: Lê Hường
Tương tự, chị Hải Yến ở Ba Đình, Hà Nội vô cùng bất ngờ nhận được thông báo chị không có may mắn làm mẹ.
Dù đã ngót tuổi "tứ tuần" nhưng chị chưa lập gia đình, mải lo sự nghiệp đến lúc "quá lứa lỡ thì" chị nảy sinh tư tưởng sống độc thân, rồi sinh đứa con là đủ. Tuy nhiên, chị chưa kịp thực hiện thì đã quá muộn, chị không còn cơ hội làm mẹ.
Đã nhiều tháng nay chu kỳ kinh nguyệt của chị có nhiều bất thường nhưng chị không để ý. Tháng trước, thấy cơ thể có nhiều dấu hiệu bất thường như thường xuyên thấy nóng, nhất là về ban đêm, khó thở, tính tình nóng nảy… chị liền đi khám sức khỏe tổng quát. Sau khi thử máu và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ kết luận chị không thể có con được nữa vì buồng trứng đã không còn hoạt động - dấu hiệu của mãn kinh sớm.
Ngày nay, không ít phụ nữ trẻ đột nhiên lâm vào tình trạng mãn kinh sớm khi chưa đến tuổi, khiến thời gian sinh sản của họ bị rút ngắn không dự tính trước.
Mãn kinh sớm: Vấn đề không đơn giản
Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ (lần đầu là lúc có kinh). Mãn kinh xảy ra do sự suy giảm chức năng buồng trứng, dần dần buồng trứng ngưng hoạt động dẫn đến việc mất kinh nguyệt mỗi tháng và chấm dứt khả năng sinh sản.
Thông thường, phụ nữ ở độ tuổi 45- 50 hoạt động chế tiết của buồng trứng bắt đầu bị rối loạn, dẫn đến kinh nguyệt không đều, kéo dài hoặc dây dưa. Giai đoạn tiền mãn kinh có thể kéo dài 2- 5 năm. Vì thế, phụ nữ mãn kinh thật sự thường ở tuổi từ 50-55. Khi mãn kinh, phụ nữ thường có dấu hiệu chu kỳ kinh nguyệt trồi sụt bất thường, tình trạng bốc hỏa, tính tình trở nên cáu gắt...
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt phụ nữ chưa đến 40 tuổi nhưng buồng trứng không còn hoạt động nữa, được gọi là mãn kinh sớm. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người hút thuốc lá, uống rượu, căng thẳng phiền muộn, chiếu tia xạ trị bệnh, bị rối loạn miễn dịch, đã được phẫu thuật cắt tử cung… Trường hợp mãn kinh sớm không có dấu hiệu báo trước, vì dễ nhầm lẫn với stress từ công việc hoặc áp lực gia đình.
Theo bác sĩ chuyên khoa sản Nguyễn Thị Tình, Bệnh viện 16A Hà Đông thì mãn kinh sớm không phổ biến và cũng chưa giải thích được nguyên nhân. Cho đến mới gần đây, mãn kinh sớm được phát hiện và được xếp vào dạng hiếm hoi. Có khoảng 1% trên tổng số phụ nữ phải chịu đựng tình trạng bất thường này.
Nhìn chung mãn kinh sớm làm chất lượng sống của chị em giảm đi đáng kể, cả về sinh khí, chức năng cơ thể lẫn sức khỏe tinh thần. Tuy không phải bệnh nguy hiểm nhưng mãn kinh sớm cũng mang đến cho phụ nữ nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Nguy cơ đầu tiên của mãn kinh sớm là người phụ nữ không còn khả năng có thai được nữa, do không còn có nang noãn chín hoặc noãn không thể phóng được (không rụng trứng được). Bỏ lỡ quyền làm mẹ không hay biết, những phụ nữ thuộc nhóm này muốn có con chỉ còn nhờ cậy phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Ngoài chứng vô sinh, phụ nữ mãn kinh sớm còn bị ảnh hưởng xấu về tâm sinh lý và đối mặt với nguy cơ mắc một số bệnh như loãng xương, tim mạch... Phụ nữ mãn kinh ở tuổi 30 có thể mắc bệnh loãng xương trước tuổi 40. Bệnh tim mạch cũng là mối đe dọa lớn, nhất là xơ vữa động mạch. Bệnh xuất hiện sau 30 tuổi, nếu không được chẩn đoán điều trị sẽ rất nguy hiểm khi xuất hiện biến chứng.
Bác sĩ Tình khuyến cáo, để ngăn ngừa tình trạng này phụ nữ nên tránh các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, uống rượu, căng thẳng… và nên tư vấn bác sĩ khi phát hiện để tránh được các nguy cơ sức khỏe lâu dài.