Mắc liên cầu lợn, người đàn ông phải cắt bỏ 2 bàn chân

Sự kiện: Liên cầu lợn

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc liên cầu lợn, nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, phải can thiệp thở máy, phẫu thuật cắt 2 bàn chân.

Chiều 1-11, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin về trường hợp nam bệnh nhân 39 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, khả năng cao là do ăn lòng lợn mua ở chợ.

Bệnh nhân có tiền sử bị gout, phát hiện cách đây 7 năm và điều trị thuốc không thường xuyên.

4 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có ăn lòng lợn mua ở chợ. Sau đó, bệnh nhân sốt 39-40 độ C, mệt nhiều.

Đi khám tại phòng khám tư, bệnh nhân được chẩn đoán sốt virus, được kê đơn hạ sốt nhưng tình trạng không cải thiện, xuất hiện ban toàn thân.

Ngày 14-10, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Nghệ An trong tình trạng sốt cao, xuất hiện ban hoại tử tăng dần vùng đầu chi, mũi mặt, chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do mắc liên cầu lợn.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi. Các đầu chi ngón tay, ngón chân đã bị hoại tử, phải can thiệp thở máy.

Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do mắc liên cầu lợn sau khi ăn lòng lợn mua ở chợ. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do mắc liên cầu lợn sau khi ăn lòng lợn mua ở chợ. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Phạm Văn Tỉnh, Khoa Ngoại chấn thương, chỉnh hình và thần kinh cột sống, sau khi hội chẩn, bệnh nhân đã được mổ cấp cứu để loại bỏ phần hoại tử do nhiễm liên cầu lợn.

Sau 3 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ 2 bàn chân và phần ngón tay ở 2 bàn tay.

Hiện sức khoẻ bệnh nhân tiến triển tốt.

Mắc bệnh liên cầu lợn, người đàn ông phải cắt bỏ 2 bàn chân và phần ngón tay trên 2 bàn tay. Ảnh:BVCC

Mắc bệnh liên cầu lợn, người đàn ông phải cắt bỏ 2 bàn chân và phần ngón tay trên 2 bàn tay. Ảnh:BVCC

Để phòng bệnh liên cầu lợn, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Đặc biệt, phải nấu chín thịt lợn khi ăn. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh đề phòng nhiễm liên cầu lợn.

Người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, liên cầu lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng lây từ người sang người.

Hầu hết bệnh nhân đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua... Một số trường hợp không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do ăn thịt lợn nhiễm bệnh, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến.

Thời gian ủ bệnh liên cầu lợn từ vài giờ đến 4-5 ngày tùy cơ địa mỗi người. Trường hợp nặng có thể sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong.

Nguồn: [Link nguồn]

Người đàn ông ở Hà Nội nhiễm liên cầu lợn dù không ăn lòng lợn tiết canh

Người đàn ông 51 tuổi không có tiền sử ăn lòng lợn tiết canh hay tham gia giết mổ lợn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thanh ([Tên nguồn])
Liên cầu lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN