Lương tăng, đi viện sẽ được thanh toán BHYT thế nào?

Sự kiện: Sống khỏe

Từ ngày 1/7/2019, tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Lương tăng, đi viện sẽ được thanh toán BHYT thế nào? - 1

Ảnh minh hoạ: Internet

BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn 1602/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trong cả nước, BHXH Bộ Quốc phòng; BHXH Công an nhân dân về việc áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Trước đó, ngày 9/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2019 là 1.490.000 đồng/tháng- tăng 100.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành.

Mức lương cơ sở này dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38; Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Để thống nhất thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định (kể cả trường hợp người tham gia BHYT vào viện trước ngày 01/7/2019 nhưng ra viện từ ngày 01/7/2019), BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh thông báo để các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn từ ngày 01/7/2019 thực hiện xác định mức hưởng BHYT theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Cụ thể, người bệnh được thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (15% mức lương cơ sở tương đương với 223.500 đồng);

100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến (06 tháng lương cơ sở tương đương với 8.940.000 đồng).

Đồng thời, xác định mức thanh toán trực tiếp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP về mức thanh toán trực tiếp.

Trường hợp người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), thanh toán như sau: Trường hợp khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám bệnh, chữa bệnh (0,15 lần mức lương cơ sở tương đương với 223.500 đồng);

Trường hợp khám bệnh, chữa bệnh nội trú, thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định nhưng tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện (0,5 lần mức lương cơ sở tương đương với 745.000 đồng).

Với những người được thanh toán tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở thì số tiền được thanh toán là 1,49 triệu đồng;

Với những người được thanh toán tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở thì số tiền được thanh toán là 3,725 triệu đồng.

Đồng thời, mức thanh toán chi phí vật tư y tế cho 01 lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật theo Điều 3 Thông tư 04/2017/TT-BYT không quá 45 tháng lương cơ sở sẽ tăng lên, tương đương 67,05 triệu đồng.

Đổi mã hưởng BHYT, quyền lợi người tham gia khi đi viện thế nào?

Một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quảng An ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN