Lúc ngủ thường xuyên bị khô miệng, nguyên nhân có thể không phải do khát nước mà là 1 trong những căn bệnh sau
Khô miệng vào ban đêm, uống nhiều nước nhưng mãi không đỡ khát thì rất có thể nguyên nhân là do mắc phải những căn bệnh nghiêm trọng sau.
Chị Trương, 40 tuổi, gần đây cảm thấy khó chịu trong người. Khi đi ngủ vào buổi tối, chị thường thức giấc vì miệng quá khô, dù có uống nhiều nước cũng không thể làm dịu cơn khát. Thậm chí, chị còn cảm thấy khô mắt và không thể chảy nước mắt.
Ban đầu chị nghĩ nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, thường xuyên ở trong phòng điều hoà nên mới dẫn tới tình trạng trên, chỉ cần bật máy tạo ẩm là đỡ. Tuy nhiên, sau một thời gian, các triệu chứng của chị vẫn không thuyên giảm mà ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thậm chí trên người còn nổi mẩn đỏ khiến chị ngứa ngáy không chịu nổi nên phải vội vàng đến bệnh viện điều trị.
Sau khi kiểm tra, chị Trương được chẩn đoán mắc “hội chứng Sjögren”. Bác sĩ giải thích rằng, hội chứng này sẽ kích hoạt phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch, từ đó gây nên tình trạng viêm nhiễm, tổn thương mô, khiến người bệnh có các biểu hiện như khô miệng, khô mắt, mệt mỏi, nổi mề đay,…
Hội chứng Sjögren là gì?
Nếu thường xuyên thấy mình bị khô miệng, dù có uống nhiều nước cũng không đỡ, hoặc khi khóc không có nước mắt chảy ra thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc hội chứng Sjögren. Hội chứng Sjögren là một bệnh tự miễn mãn tính liên quan đến các tuyến ngoại tiết trong cơ thể như tuyến lệ, tuyến nước bọt. Biểu hiện phổ biến nhất của bệnh là khô mắt và khô miệng do sự thâm nhiễm tế bào lympho ở màng nhầy và các tuyến gây giảm tiết nước mắt, nước bọt.
Nguyên nhân cụ thể của hội chứng Sjögren vẫn chưa được làm rõ, theo số liệu lâm sàng, bệnh này thường gặp ở phụ nữ hơn, với tỷ lệ nam nữ khoảng 1:9 đến 1:20, từ 40-50 tuổi là độ tuổi mắc bệnh cao nhất. Chứng khô miệng của hội chứng Sjögren chủ yếu có 3 đặc điểm sau: sau khi uống nước vẫn chưa hết khát; triệu chứng khô miệng về đêm sẽ trầm trọng hơn; bệnh nhân không ăn được thức ăn khô.
Ngoài triệu chứng khô hầu họng, khô mắt, khô miệng, bệnh nhân mắc hội chứng Sjögren cũng có thể bị ảnh hưởng đến nhiều hệ thống và cơ quan trên khắp cơ thể, bao gồm gan, phổi, thận và hệ thống máu.
Đối với hội chứng Sjögren nguyên phát, bệnh nhân có thể không có triệu chứng khô miệng và mắt mà sẽ có các triệu chứng như tổn thương thần kinh, viêm phổi kẽ, hạ kali máu, hội chứng Raynaud, …
Hội chứng Sjögren là một bệnh mãn tính. Bệnh nhân có thể chỉ bị khô miệng và mắt trong trường hợp nhẹ nhưng nếu bệnh chuyển nặng, sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng, thậm chí gây tử vong. Vì vậy, nếu thường xuyên gặp phải tình trạng khô miệng, khô mắt, khô ngứa da, ho khan khó thở, khó nuốt, … bạn nên cảnh giác và đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân.
Ngoài hội chứng Sjögren, nếu bị khô miệng vào ban đêm, uống nhiều nước cũng không có tác dụng, bạn cũng cần cảnh giác với khả năng mắc các căn bệnh sau:
1. Bệnh tiểu đường
Nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường có triệu chứng khát nước, đái nhiều, nguyên nhân là do nồng độ glucose trong máu quá cao, buộc thận phải làm việc quá sức để tiết ra nhiều nước tiểu hơn. Trong trường hợp này, chỉ uống nước không thể làm giảm cảm giác khát nước, mà cần chủ động kiểm soát bệnh nguyên phát và kiểm soát lượng đường trong máu mới có thể làm giảm triệu chứng bệnh một cách hiệu quả.
2. Cường giáp
Do quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra không bình thường, bệnh nhân cường giáp sẽ bị tăng hàm lượng oxy trong quá trình sinh nhiệt của cơ thể. Tốc độ toả nhiệt tăng lên, từ đó lượng nước cần thiết cho cơ thể cũng tăng lên rất nhiều. Điều đó khiến bệnh nhân cường giáp luôn cảm thấy khát nước, miệng lưỡi bị khô.
3. Xơ cứng bì
Bệnh xơ cứng bì còn được gọi là xơ cứng hệ thống tiến triển, là một rối loạn mô liên kết đặc trưng bởi sự xơ hoá mãn tính của da và mô liên kết. Nhiều bệnh nhân có triệu chứng khô mắt, khô miệng, sưng đau các khớp do bệnh ảnh hưởng đến tuyến nước bọt, tuyến lệ, ống bài tiết và sợi mao mạch.
4. Đái tháo nhạt
Đái tháo nhạt là do cơ thể thiếu hụt hormone chống bài niệu. Người bệnh thường có các biểu hiện như đa niệu, khô miệng và đi ngoài ra máu. Đây là tình trạng rối loạn khả năng cân bằng nước trong cơ thể, thận của bệnh nhân không còn khả năng giữ nước, gây ra triệu chứng tiểu nhiều. Nếu lượng nước tiểu trung bình một ngày của người bình thường là khoảng 2-3 lít thì người mắc đái tháo nhạt có lượng nước tiểu vượt quá 4-10 lít/ ngày. Điều đó khiến cho bệnh nhân trở nên khát nước, dễ rơi vào tình trạng khát nước, muốn uống nhiều nước hơn.
5. Thiếu máu
Khi cơ thể bị thiếu máu do thiếu sắt, thiếu máu ác tính hoặc thiếu vitamin B thường sẽ kéo theo các triệu chứng như khô miệng, đau lưỡi, teo nhú lưỡi. Thiếu máu nhẹ thường không gây khát nước quá nhiều, nhưng nếu tình trạng nặng, người bệnh không chỉ cảm thấy khát mà còn chóng mặt, kiệt sức, mệt mỏi, mạch tăng nhanh, da chuyển màu tái hoặc hơi vàng, đổ nhiều mồ hôi,…
Các chuyên gia khuyến nghị nên uống khoảng 200 - 400ml nước ấm vào buổi tối trước khi ngủ. Thời điểm uống tốt nhất là trước khi đi ngủ ít nhất 2 giờ.
Nguồn: [Link nguồn]