Lời khuyên giảm nguy cơ ung thư não của bác sĩ Anh

Sự kiện: Ung thư

Chuyên gia ung thư thần kinh Sara Meade khuyên duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tận hưởng không khí trong lành, vận động ngoài trời, ngủ đủ giấc, quản lý căng thẳng... để giảm nguy cơ ung thư não.

Ung thư não là loại bệnh gây tử vong nhiều nhất ở trẻ em và người dưới 40 tuổi tại Anh, với hơn 12.000 người nước này nhận được chẩn đoán mỗi năm. Chỉ có 1/10 người được dự đoán sống sót sau khi chẩn đoán bệnh.

Bác sĩ Sara Meade. Ảnh: Daily Mail

Bác sĩ Sara Meade. Ảnh: Daily Mail

Tiến sĩ Sara Meade, chuyên gia khoa ung thư thần kinh lâm sàng tại Bệnh viện Harborne tại Anh, cho rằng thực hiện vài thay đổi đơn giản trong lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh này. Nên đặt sự ưu tiên vào những thói quen lành mạnh sau để duy trì sức khỏe của bộ não:

Tận hưởng không khí trong lành và vận động ngoài trời

Tiến sĩ Meade đặt việc đi bộ cùng gia đình hoặc bơi lội thư giãn lên hàng đầu ưu tiên. Bà cho rằng tham gia những hoạt động thú vị ngoài trời là vô cùng quan trọng để duy trì sức khỏe và hạnh phúc bộ não.

Chuyên gia này thường dành thời gian cho những sở thích như bơi lội để chăm sóc sức khỏe và tinh thần. Bà cũng thường ra ngoài khỏi khu vực làm việc khoảng 20 phút để gặp gỡ đồng nghiệp và thư giãn. Tham gia vào các hoạt động ngoài trời mang lại niềm vui và giúp giảm căng thẳng, khuyến khích thái độ tích cực trong cuộc sống, đồng thời duy trì sức khỏe toàn diện.

Tiến sĩ Meade nhấn mạnh vận động thường xuyên và duy trì cân nặng lý tưởng có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh (CRUK), duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ có thể giúp cải thiện khả năng phát hiện và xử lý các tế bào gây ung thư. Vận động thường xuyên giúp giảm viêm nhiễm, một yếu tố có thể dẫn đến sự phát triển ung thư nếu không được kiểm soát.

Tiến sĩ Meade lưu ý dù chưa có bằng chứng cụ thể liên quan đến rủi ro ung thư não từ việc ít vận động, nhưng thói quen vận động thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư.

Thực hiện những hoạt động thú vị vừa có lợi cho sức khỏe cũng như cho não bộ. Ảnh: Freepik

Thực hiện những hoạt động thú vị vừa có lợi cho sức khỏe cũng như cho não bộ. Ảnh: Freepik

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh

Theo tiến sĩ Meade, chế độ ăn uống lành mạnh là nền tảng để giữ gìn sức khỏe tốt, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể và giúp não bộ hoạt động tối ưu. Thói quen này giúp bà có đủ năng lượng và sự tập trung cần thiết trong cuộc sống hàng ngày.

Mỡ cá, chứa acid béo omega-3 quan trọng, có lợi cho sức khỏe não bộ. Ăn nhiều trái cây và rau quả, hạn chế thực phẩm giàu chất béo và đường cũng giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Meade, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc ăn một loại thực phẩm cụ thể nào có thể giảm nguy mắc cơ ung thư. Quan trọng nhất là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân nặng bình thường để bảo vệ sức khỏe tổng thể.

Theo CRUK, thừa cân hoặc béo phì tăng nguy cơ mắc 13 loại ung thư, bao gồm cả u màng não. Cơ chế này liên quan đến sự tích tụ mỡ, tăng mức độ hormone tăng trưởng trong cơ thể và thúc đẩy sự phân chia tế bào nhiều hơn. Sự phân chia tế bào thêm này có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, mỡ thừa cũng thu hút các tế bào miễn dịch đến các khu vực có mỡ nhiều, có thể gây viêm nhiễm và tăng nguy cơ phát triển ung thư.

Ngủ đủ giấc mỗi đêm

Lịch trình ngủ lành mạnh, giấc ngủ chất lượng giúp mọi người hoạt động tốt hơn, duy trì chức năng nhận thức và tinh thần khỏe mạnh. Người trưởng thành khỏe mạnh nên ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm để cơ thể có đủ thời gian nghỉ ngơi, hỗ trợ hoạt động trong cả công việc và cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, tuổi tác và tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về giấc ngủ, theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS).

Thiếu ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và quyết định. Trong ngắn hạn, nó có thể dẫn đến cảm giác buồn bã, dễ cáu gắt, tăng cường cảm giác thèm ăn và khó tập trung. Trong dài hạn, thiếu ngủ cũng liên quan đến việc "hao mòn" lớn trên các tế bào và được liên kết với tăng nguy cơ ung thư.

Nghiên cứu năm 2019 từ Đại học Hong Kong xem xét khoảng 50 bác sĩ từ hai bệnh viện địa phương. Trong số họ, một nửa phải làm việc ban đêm và chỉ ngủ được từ hai đến bốn giờ, trong khi những người còn lại ngủ 7 giờ hoặc nhiều hơn. Kết quả, trường hợp làm việc ca đêm có tổn thương DNA cao hơn 30% so với những người làm việc giờ bình thường.

Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Chicago, Mỹ, chỉ ra rằng giấc ngủ bị gián đoạn có thể kích hoạt loại viêm thúc đẩy sự phát triển và tiến triển của khối u, dù nghiên cứu này được thực hiện trên chuột, không phải con người. Một nghiên cứu năm 2021 trên những người từ 50 tuổi trở lên cho thấy nguy cơ ung thư cao hơn ở những người đánh giá chất lượng giấc ngủ của họ là "trung bình" hoặc "kém".

Tuy nhiên, tiến sĩ Meade cho biết cần thêm nghiên cứu để xác nhận liệu thiếu ngủ có trực tiếp tăng nguy cơ ung thư hay không. Những người không ngủ đủ giấc có thể đang phải đối mặt với những yếu tố lối sống khác như chế độ ăn uống kém, có thể tăng nguy cơ mắc ung thư.

Những người thường xuyên ngủ không đủ giấc thường có xu hướng thừa cân, chế độ ăn uống kém và lịch làm việc không đều đặn. Tất cả những yếu tố này thường đi kèm với nhau và có thể dẫn đến quyết định không lành mạnh sau một đêm ngủ không đủ giấc.

Cân bằng những căng thẳng

Tiến sĩ Meade cho rằng duy trì sự ngăn nắp và giữ cân bằng giữa công việc cùng cuộc sống là chìa khóa để duy trì tinh thần khỏe mạnh. Việc lập kế hoạch và đặt các ưu tiên hàng ngày là rất quan trọng để duy trì sự cân bằng lành mạnh này.

Mỗi ngày, việc lên kế hoạch trước để quản lý công việc và cuộc sống có trách nhiệm là chìa khóa để duy trì tinh thần khỏe mạnh. Thói quen này giúp giữ sự ngăn nắp, giảm căng thẳng và duy trì sự cân bằng hỗ trợ sức khỏe toàn diện. Dù mỗi người có thói quen và lịch trình hàng ngày khác nhau, nhưng đây là những thói quen giúp tăng cường sức khỏe tinh thần.

Có một số bằng chứng cho thấy cải thiện sức khỏe tinh thần và giảm căng thẳng có thể giảm nguy cơ mắc ung thư. Một bài báo năm 2022 đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc cơ thể tiếp xúc với cortisol (hormone căng thẳng) và ung thư. Nghiên cứu khác vào tháng 2 năm này cũng gợi ý rằng căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và lan rộng của khối u.

Căng thẳng kéo dài có thể gây ra huyết áp cao và trầm cảm, theo NHS. Ngoài ra, căng thẳng cũng có thể làm việc duy trì lối sống lành mạnh như không hút thuốc và không uống rượu trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, không đủ bằng chứng để khẳng định "những người căng thẳng hơn dễ mắc ung thư hơn", như cảnh báo từ CRUK.

Dù không có liên hệ trực tiếp, nhưng quản lý căng thẳng sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, theo quan điểm của tiến sĩ Meade. Không ai có thể kiểm soát việc mắc ung thư não, và hầu hết mọi người không làm gì sai để gây ra điều đó. Ung thư não thường xảy ra ngẫu nhiên và không phổ biến, vì vậy điều quan trọng là tạo điều kiện tốt nhất để có một cuộc sống lâu dài và chất lượng.

Nguồn: [Link nguồn]

Một người đàn ông đột nhiên trở nên "hung dữ", mất thị lực cũng như khứu giác và được chẩn đoán mắc bệnh u não.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thúy ( Theo Daily Mail) ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN