Lợi ích tuyệt vời từ đậu bắp

Khi vào hệ tiêu hóa, đậu bắp sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những vi khuẩn có lợi, có thể sánh ngang tầm với sữa chua, giúp tổng hợp các vitamin nhóm B.

Đậu bắp còn có nhiều tên gọi khác như mướp tây, bông vàng, bắp chà hay thảo cà phê, okra (Anh), tên khoa học cũ gọi là Hibicus enculentus L. (Albelmoschus enculentus Wight et Arn), thuộc họ Đông (Malvaceae). Đậu bắp là loại cây có nguồn gốc từ Tây Phi, có khả năng chịu đựng được nóng bức và khô hạn tốt, được gieo trồng ở những vùng nhiệt đới hay ôn đới, phổ biến tại miền Nam nước Mỹ. Ở nước ta, đậu bắp được trồng ở nhiều nơi nhưng tập trung ở các tỉnh phía Nam. Loài này là cây một năm hoặc nhiều năm, cao tới 2,5 m.

Chứa nhiều axít folic

Từ lâu, dân gian nhiều nơi đã biết sử dụng thân, lá và quả non đậu bắp có vị hơi chua, mát để trị các chứng tiểu khó, bệnh lậu; rễ và lá non chữa ho khan, viêm họng... Ăn đậu bắp thường xuyên sẽ giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và cả ung thư. Uống nước đậu bắp luộc hằng ngày, trong nhiều tháng còn giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, có làn da đẹp, đặc biệt là rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh.

Lợi ích tuyệt vời từ đậu bắp - 1

Chất xơ của đậu bắp cũng là một “vệ sĩ” của hệ tiêu hóa. Ảnh: HỒNG THÚY

Đậu bắp còn có tác dụng chống bệnh tiểu đường vì chất xơ của nó có thể làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu. Đậu bắp cũng có tác dụng kiểm soát lipid nhờ chất xơ hòa tan được gọi là pectin có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu...

Đậu bắp chứa hàm lượng axít folic khá cao. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, axít folic cực kỳ quan trọng vì giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.

Đối với tiêu hóa, đậu bắp còn có tác dụng nuôi dưỡng những vi sinh vật có lợi trong đường ruột, có tác dụng nhuận tràng, hỗ trợ bệnh nhân bị hội chứng ruột kích ứng và các rối loạn hệ tiêu hóa. Vì vậy, khẩu phần ăn hằng ngày có kèm đậu bắp sẽ rất tốt cho cơ thể nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng.

Ngang tầm với sữa chua

Chất nhầy và chất xơ có trong đậu bắp giúp điều chỉnh lượng đường huyết bằng cách điều hòa sự hấp thu của chúng từ ruột non. Chất xơ của đậu bắp cũng là một “vệ sĩ” của hệ tiêu hóa. Khi vào hệ tiêu hóa, đậu bắp sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những vi khuẩn có lợi, có thể sánh ngang tầm với sữa chua, giúp tổng hợp các vitamin nhóm B.

Chất xơ có tác dụng hấp thu nước làm thành khối lớn trong phân, nhờ đó có tác dụng ngăn ngừa táo bón. Đặc biệt, chất nhầy có tác dụng bôi trơn hệ thống ruột, ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ, cải thiện tiêu hóa.

Mặt khác, trong quá trình mang thai cũng như sau sinh, nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng bị rụng tóc, da nổi mụn, kém mịn màng, kém hồng hào, nếu đưa món đậu bắp vào khẩu phần dinh dưỡng sẽ giúp đẩy lùi chứng này. Đậu bắp được xem như mỹ phẩm giúp đẹp da, mượt tóc, giữ vẻ trẻ trung cho đôi mắt, tăng cường sức khỏe nhờ bên trong thân hình “nhỏ con” có chứa nhiều vitamin A, C, canxi, kali, magiê. Để đạt được công dụng làm đẹp, các bà mẹ chỉ cần ăn các món hơi “màu mỡ” một chút như: đậu bắp hấp mỡ hành, đậu bắp xào, đậu bắp hấp chấm kho quẹt.

Ngoài ra, đậu bắp còn giúp giảm cân sau sinh vì dồi dào chất xơ, cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc thúc đẩy giảm cân sau sinh; kiểm soát lượng đường trong máu. Đậu bắp chứa calorie thấp nên là thức ăn lý tưởng cho những người đang muốn giảm cân.

Món canh trị tiểu đường

Người bị tiểu đường type 2 ăn món “canh đậu bắp sa kê” rất tốt. Nguyên liệu gồm: Đậu bắp 2 quả, sa kê non 1/2 lá, đọt ổi 5 cái, đậu hũ non 1 miếng, muối vừa đủ. Đậu bắp cắt khúc, lá sa kê xắt sợi, đọt ổi non rửa sạch, đậu hũ cắt miếng vừa ăn. Bắc nồi nước lên bếp đun to lửa đến sôi già, cho đậu hũ và đậu bắp vào, khoảng 2 phút sau cho lá sa kê và đọt ổi, nêm gia vị vừa miệng, ăn nóng với cơm.

Lưu ý: Đậu bắp có tính mát. Những ai hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy không nên dùng đậu bắp. Khi chế biến đậu bắp, nên nấu chín ở nhiệt độ thấp, vừa phải nhằm bảo toàn nguồn dinh dưỡng.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bác sĩ Bồng Trung Hoàng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN