Lợi ích “kép” từ phẫu thuật không kháng sinh

Với phương pháp phẫu thuật không kháng sinh bệnh nhân chỉ phải dùng 3g kháng sinh dự phòng, giảm thiểu đáng kể tỷ lệ kháng thuốc.

BS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị tim mạch, Viện tim mạch Quốc gia cho biết, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật không kháng sinh là những người mắc các bệnh lý tim mạch như hở van tim, vỡ động mạch chủ, mổ dị tật tim không có nhiễm trùng kèm theo.

Lợi ích “kép”  từ phẫu thuật không kháng sinh - 1

BS Dương Đức Hùng thăm khám cho bệnh nhân vừa mổ động mạch chủ bằng phương pháp phẫu thuật không kháng sinh

Trường hợp bệnh nhân Bùi Chuyên Chính, 57 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội nhập viện ngày 26/11 do tâm thất trái giãn nhiều, động mạch chủ giãn. Sau 2 ngày cắt bỏ lá van, thay van động mạch chủ sinh học bằng phương pháp phẫu thuật không kháng sinh bệnh nhân đã tỉnh táo và nói chuyện được. Dự kiến bệnh nhân sẽ được ra viện vào đầu tuần tới.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Nhung, 62 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội bị hở van tim và được áp dụng phương pháp “phẫu thuật không kháng sinh”. Đến nay, sau 10 ngày nằm viện, da dẻ đã hồng hào, sức khỏe dần hồi phục.

Tỷ lệ nhiễm trùng là 0%

Phương pháp phẫu thuật không kháng sinh hạn chế thấp nhất tỷ lệ nhiễm trùng cho bệnh nhân. Mỗi tháng Đơn vị tim mạch lại đánh giá về phương pháp này 1 lần và tỷ lệ nhiễm trùng là 0%).

Nói về phương pháp phẫu thuật không kháng sinh, BS Hùng cho biết, phẫu thuật bằng phương pháp này mỗi bệnh nhân chỉ phải dùng 3g kháng sinh dự phòng trước khi phẫu thuật để chống lại các vi khuẩn có thể sản sinh tại vùng giải phẫu.

So với phương pháp phẫu thuật dùng kháng sinh, bệnh nhân phẫu thuật tim mạch, lồng ngực phải sử dụng theo hình thức bủa vây, chi phí tiền thuốc có thể lên đến 1-4 triệu đồng/ngày.

Như vậy tính trong cả đợt điều trị bệnh nhân sẽ phải tiêu tốn ít nhất 10 triệu tiền thuốc chưa kể các loại chi phí kèm theo như bông, băng, truyền dịch…Ngoài ra, đối với những bệnh nhân điều trị bằng phương pháp phẫu thuật không kháng sinh sẽ rút ngắn thời gian điều trị.

Bác sĩ Hùng cho rằng, tình trạng sử dụng kháng sinh hiện nay ồ ạt, bệnh nhẹ cũng dùng kháng sinh huống chi là phẫu thuật. Do đó phần lớn bệnh nhân bị kháng thuốc. “Có những nơi mổ van tim, bác sĩ cho một đống kháng sinh. Mặc dù bệnh nhân vẫn ra viện nhưng dễ bị kháng thuốc”. BS Hùng nói.

Lợi ích “kép”  từ phẫu thuật không kháng sinh - 2

Bệnh nhân được chăm sóc sau mổ tim

Tuy vậy, khi áp dụng phương pháp phẫu thuật không kháng sinh buộc các bác sĩ phải xây dựng lại quy trình chống nhiễm khuẩn như: Nhân viên y tế phải rửa tay bằng xà phòng, thay dép khi đi vào buồng bệnh, không đeo nhẫn, không đeo đồng hồ khi chăm sóc bệnh nhân.

Như vậy, với phương pháp phẫu thuật không kháng sinh, bệnh nhân không bị nhiễm trùng, mang lại lợi ích đáng kể cho bệnh nhân, giảm thiểu lượng kháng sinh không cần thiết cho người dùng.

Không nhất thiết phải dùng kháng sinh dự phòng, nếu phẫu thuật ngắn và trong điều kiện vô khuẩn, ít gây nguy cơ cho người bệnh trong thời kỳ hậu phẫu.

Kháng sinh dự phòng được dùng cho những người bệnh có nguy cơ gồm: Những người bệnh cao tuổi, có tiền sử đái tháo đường, hoặc đang dùng thuốc chống miễn dịch, người bệnh dễ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn trong bệnh viện, như nằm viện lâu trên vài tuần, đã dùng kháng sinh trong thời kỳ nằm viện, mổ nhiều lần, người bệnh phải ghép xương, ghép van tim, hoặc phải phẫu thuật lớn.

Sử dụng kháng sinh dự phòng cần phải theo dõi diễn biến lâm sàng của người bệnh. Nếu có biểu hiện nhiễm khuẩn cần chuyển ngay sang kháng sinh điều trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN