Lợi ích của cây cảnh với sức khỏe con người
Ngoài giá trị thẩm mỹ, trang trí, thể hiện triết lý sống..., cây cảnh còn có lợi ích rất to lớn cho sức khỏe con người.
Cây cảnh ngoài vai trò trang trí làm cảnh trong nhà còn có nhiều tác dụng phong thủy khác nhau, giúp duy trì, hoàn thiện nguồn sinh khí trong nhà, tạo ra môi trường sống hoàn hảo, thoải mái, tốt cho sức khỏe.
Nước ta là một nước nhiệt đới, thảm thực vật hết sức phong phú và hầu hết các loài cây đều xanh tươi bốn mùa. Dân tộc ta cũng là một dân tộc yêu cây và yêu hoa nên từ xa xưa cây cảnh đã là một trong những “thành viên” trong mỗi gia đình. Cây cảnh(hoặc cây kiểng) là một số loại thực vật được chăm sóc, gieo trồng và tạo dáng công phu, thường dùng làm vật trang trí hay một chi tiết trong thuật phong thủy. Cây cảnh được bài trí có khi nhằm thể hiện một ý tưởng của người trồng qua cách xếp đặt mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên của lá. Thân cây được uốn theo một hình dáng nào đó, còn gọi là thế, kết hợp với chậu, đất hay nước là môi trường dinh dưỡng cho thực vật ấy.
Ngoài việc cung cấp dưỡng khí, cây cảnh còn có thể hấp thụ những độc tố
Trước hết, con người và cây xanh có mối quan hệ hỗ tương: cây xanh cung cấp cho chúng ta khí O2 để thở và hấp thụ khí CO2 do quá trình hoạt động của chúng ta thải ra... Người ta ước tính khoảng 1/2 ha cây xanh có thể cung cấp một lượng O2 đủ cho 18 người. Không những vậy, cây xanh còn có khả năng làm sạch môi trường. Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh chất lượng không khí trong nhà tăng lên khi có cây xanh. Ngoài việc cung cấp dưỡng khí, chúng còn có thể hấp thụ những độc tố như carbon monoxide (CO), một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và thậm chí các nhóm xyanua và chuyển hóa chúng. Cây cối cũng có thể hấp thụ các phân tử kim loại nặng và giữ chúng bên trong thân. Trước khi sơn tường, bạn nên trồng một số cây trong nhà để chúng “hút” các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi thoát ra từ sơn, nhờ đó mọi người sẽ không hít phải chúng. Cây xanh còn là nhà máy cải tạo chất lượng không khí cho chúng sống bằng cách lọc tất cả bụi có hại cho phổi chúng ta. Như vậy, trước hết cây cảnh có tác dụng làm sạch môi trường và điều tiết không khí, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện và nâng cao sức khỏe con người. Nhiều loại cây cảnh được người ta trọng dụng và khả năng hút khí độc cực tốt cho nhà riêng và văn phòng như cây ngũ gia bì, thiết mộc lan, cỏ seo gà, thiên niên kiện, cây mẫu tử, cây cọ cảnh, cây nha đam, cây dương xỉ, cây lan Ý, cây sung…; các loại hoa như: hoa sống đời, hoa dơn, hoa ly, hoa dừa cạn, hoa cúc, hoa đồng tiền...
Cây cảnh có tác dụng làm giảm dị ứng và hen suyễn: cây cối góp phần làm tăng độ ẩm không khí, bởi khi một giọt nước xâm nhập vào rễ cây, nó sẽ di chuyển lên thân qua hệ thống mao mạch rồi hòa lẫn vào không khí. Khi độ ẩm không khí tăng, các chất có hại cho sức khỏe như bụi và phấn hoa sẽ giảm vì hơi ẩm khiến những hạt nhỏ li ti nặng hơn và rơi xuống dưới. Một điều nghịch lý là thực vật ngoài trời là một trong những tác nhân gây dị ứng cho con người, trong khi cây cối trong nhà giúp chúng ta ngăn chặn hiện tượng dị ứng. Một nghiên cứu tại Na Uy cho thấy, cây cối trong nhà giúp giảm ho, đau họng và các triệu chứng hen suyễn tới hơn 30%. Ngoài ra, cây cảnh còn tiết ra khoảng 97% lượng nước chúng hấp thụ, tăng độ ẩm cho căn phòng và ngăn ngừa nhiều bệnh lý hô hấp.
Cây dương xỉ có khả năng hút khí độc cực tốt và trong phong thủy còn có ý nghĩa là mang lại tài vượng, tài lộc cho chủ nhân
Cây cảnh giúp cho con người giảm bớt căng thẳng thần kinh: tăng cường khả năng về trí tuệ, tăng độ tập trung và trí nhớ, làm giảm tác dụng bất lợi của stress, giảm nhiệt độ và tiếng ồn, từ đó giúp cải thiện chức năng nhận thức, làm tăng năng suất lao động. Nhiều nghiên cứu tại Mỹ chứng minh rằng, cây xanh trong nhà chẳng những làm tăng năng suất lao động mà còn giúp làm giảm hiện tượng đau đầu, mệt mỏi và căng thẳng trong môi trường làm việc. Vào mùa hè, dưới tán lá nhiệt độ có thể giảm từ 2 - 40C bằng cách tiết hơi nước qua khí khổng của lá và ngăn cản không cho ánh sáng mặt trời chiếu thẳng xuống mặt đất và giảm hấp thu nhiệt trên nhựa. Cây xanh hoạt động như vùng đệm hấp thu tiếng ồn vì lá cây và thân cây chia cắt nhỏ sóng âm thanh. Nếu trồng đai rừng rộng 30m và cây cao 12m có thể giảm 50% tiếng ồn (theo nghiên cứu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ). Các nghiên cứu y học mới đây cho thấy rằng, bệnh nhân điều trị trong phòng có cây cảnh hoặc các khoảng không xanh thì sức khỏe có khuynh hướng phục hồi nhanh hơn... Bệnh nhân trong những căn phòng có cây cảnh sẽ cần ít thuốc giảm đau hơn, nhịp tim chậm hơn và huyết áp thấp hơn, ít bị stress và lo âu hơn. Theo một nghiên cứu khác, sau khi thử stress, những người ở trong phòng có cây cảnh, huyết áp tâm thu thấp hơn những người trong phòng không có cây cảnh. Học sinh trong lớp học có cây cảnh, khả năng tập trung cao hơn 70% và độ chuyên cần của học sinh cũng cao hơn. Một nghiên cứu tại Đại học Texas cho thấy, nhân viên trong phòng làm việc có cây cảnh sẽ có nhiều ý tưởng hơn 13% so với nhân viên trong phòng có tượng điêu khắc.
Cây cảnh có khả năng điều tiết không gian sống: và tạo ra một giá trị thẩm mỹ góp phần làm đẹp và nâng cao sức khỏe con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Một góc cây xanh hay một vài chậu cây cảnh kết hợp hài hòa với các đồ vật trong nhà được bố trí vị trí thích hợp sẽ tạo ra một không gian xanh thoáng mát, trang nhã trong nhà, giúp cân bằng năng lượng, mang lại sinh khí, đem lại niềm vui, sự yêu đời và tạo ra sự ấm cúng giúp bạn thư giãn tinh thần sau ngày làm việc mệt mỏi.
Cuối cùng, nếu tuân theo đầy đủ nguyên tắc phong thủy của phương Đông, cây cảnh rất hữu ích cho sức khỏe. Cây cảnh ngoài vai trò trang trí làm cảnh trong nhà thì còn có nhiều tác dụng phong thủy khác nhau giúp duy trì hoàn thiện nguồn sinh khí trong nhà, tạo ra môi trường sống hoàn hảo, thoải mái, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cũng theo nghệ thuật phong thủy, không phải mọi loại cây đều có ích cho sức khỏe. Ví như, hoa của cây trúc đào kép có độc tính, mùi hương gây buồn ngủ, hại trí lực; hoa của cây dạ hương mùi thơm quá nồng, không tốt cho hệ tim mạch; hoa của cây uất kim có chất kiềm độc, không tốt cho lông tóc; cây trinh nữ có độc tố dễ làm rụng lông tóc; hoa của cây ngọc đinh hương có mùi rất kích thích, dễ gây mất ngủ, suy nhược thần kinh, làm giảm trí nhớ.
Vạn niên thanh, trạng nguyên, đỗ quyên,... làm sáng không gian nhà bạn nhưng cũng cần chú ý để trẻ không ngắt lá, bẻ hoa...