Loét lòng đen mắt vì kính áp tròng

Sự kiện: Bệnh mắt

Mong ước một đôi mắt to ra và long lanh như... diễn viên Hàn Quốc với kính giãn tròng. Nhưng kiểu làm đẹp này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương cho mắt.

Thấy mắt trái mờ, ngứa, cộm, đau rát đỏ mắt, chị Bùi Ngọc Thúy, 25 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội phải nhập viện Đa khoa Đống Đa điều trị. Tại đây bác sĩ kết luận mắt chị bị viêm, nhiễm khuẩn và có nhiều dị vật đâm, găm lên bề mặt giác mạc phải gắp dị vật ra và trị viêm giác mạc.

Loét lòng đen mắt vì kính áp tròng - 1

Nhiều bạn trẻ thường xuyên dùng kính áp tròng để làm đẹp

Chị Thúy cho biết: "Tôi thường xuyên sử dụng các loại kính áp tròng để làm đẹp mỗi khi ra ngoài. Dịp Halowen vừa qua tôi có dùng kính áp tròng cỡ đại mượn của bạn, để giãn to mắt hóa trang nhưng sau khi dùng thì bị cộm mắt. Nghĩ là không sao nên vẫn đeo, tuy nhiên cả buổi tối hôm đó mắt tôi cứ chảy nước, ngứa cộm rất khó chịu.

Về nhà tháo mắt kính ra nhưng cứ chớp mắt là lại cộm, đau mắt lại bị mờ nhìn không rõ nên vào viện khám.  Lúc đấy mới biết mắt mình bị nhiều dị vật găm vào.

Tôi thường xuyên dùng kính áp tròng cũng có bị tức mắt, cộm mắt, nhưng chưa lần nào bị thế nào. Lần này mượn kính của bạn, do bạn bảo quản không tốt bị bụi bám vào nên khi đeo vào mắt tôi lại chỉnh kính, sau thì dụi mắt nhiều lần nên mới bị găm vào mắt như thế".

Trả lời trên báo chí, ThS.BS Hoàng Cương Phó Khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương: "Các loại kính được đặt lên lòng đen (giác mạc) có tên chung là kính áp tròng thường được bác sĩ yêu cầu dùng với những chỉ định chính cho: điều trị các tật khúc xạ như: cận - viễn - loạn thị (thay thế kính gọng thông thường); điều trị một số bệnh: giác mạc hình chóp, trượt biểu mô giác mạc tái phát, sau mổ LASIK…

Kính giãn tròng là một loại kính áp tròng, do vậy luôn đòi hỏi các chỉ định mang tính chuyên khoa. Mục đích thẩm mỹ hay những người bình thường không có bệnh mà vẫn dùng để thoả mãn thú chơi không được giới Y khoa khuyến khích.

Thậm chí nhiều trường hợp đeo kính thường xuyên, liên tục và dùng đi dùng lại nhiều lần quá lâu so với tuổi thọ của kính. Nhiều trường hợp lười tháo lắp, lười vệ sinh kính, lạm dụng kính không sớm thì muộn sẽ gây hại cho mắt".

ThS.BS Hoàng Cương cho biết thêm: "Như tôi được biết, hiện nay giới trẻ đang sử dụng nhiều loại kính tiếp xúc như một cách trang trí cho mắt: thay đổi màu mắt, tạo hình ảnh đồng tử giãn to giả tạo, có hình ảnh của con thú được ưa thích hay hình trái bóng… Tôi xin nói ngay là nguồn gốc của các kính trên không rõ ràng, không ai dám đảm bảo chất lượng cũng như không ai đền bù cho họ nếu có thiệt hại do kính gây ra mà chính họ sẽ là người gánh lấy.

Loét lòng đen mắt vì kính áp tròng - 2

Hình ảnh kính áp tròng được giới trẻ sử dụng. (Hình minh họa)

Thêm nữa, đeo kính tiếp xúc không đúng chỉ định, lạm dụng hay vệ sinh kém, sai sót về kỹ thuật tháo lắp có thể gây ra các tai biến như:  xước, trượt lòng đen gây đau đớn; loạn dưỡng lòng đen, viêm nhiễm hoặc loét lòng đen do vi khuẩn, virút hay nấm; nếu có dị vật bay vào mắt bị kẹt giữa kính và lòng đen thì sẽ rất khó lấy ra, làm bệnh nhân đau đớn nhiều trong khi bác sĩ cũng khó thao tác khi lấy dị vật.

Như vậy cái hay, cái đẹp do kính trang trí mang lại thì ít nhưng tốn kém và nguy hại thì lại nhiều".

Còn TS. BS Lê Đỗ Thuỳ Lan, Bộ môn Mắt, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết nếu mang kính quá 16 giờ mỗi ngày sẽ gây kém hấp thu nước trên giác mạc dễ gây viêm và loét giác mạc, ảnh hưởng đến tầm nhìn. Đặt kính sai vị trí sẽ làm trầy giác mạc, dễ gây mù. Một số người bị dị ứng với kính sẽ bị đỏ mắt. Hiện nay có khoảng 15 – 20% bệnh nhân bị viêm giác mạc do sử dụng kính áp tròng không đúng cách.

Nếu sử dụng kính áp tròng quá 3 năm có thể gây tổn thương ở mắt, khiến mắt dễ viêm nhiễm. Một số bệnh thường gặp do đeo kính áp tròng như viêm biểu mô giác mạc, nhiễm ký sinh trùng giác mạc, nhiễm các vi sinh vật… Hơn nữa, bản chất kính áp tròng là 1 hợp chất, nó có thể gây dị ứng, kích ứng với từng người, không phải ai cũng có thể đeo được kính áp tròng.

Hiện nay, trên các mạng rao vặt ở Việt Nam bán nhiều loại kính giãn tròng. Đa số là kính của Hàn Quốc có giá từ 200.000 – 350.000đ/cặp, đủ màu sắc, có độ và không độ. Các cửa hàng mắt kính thì có các loại xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Indonesia… giá từ 260.000 – 500.000đ/cặp.

Bên cạnh đó có nhiều loại kính giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Nguyên (Kiến thức)
Bệnh mắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN