Loạn “tư vấn” sức khỏe qua mạng

Trên thực tế, không phải tất cả các thông tin trên mạng đều có độ tin cậy và chính xác, thậm chí, nhiều thông tin chỉ mang tính “kinh nghiệm, truyền miệng” không được kiểm chứng khoa học gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người được tư vấn.

Tin “tư vấn truyền mạng” hơn bác sĩ?!

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, thời kì đầu mang thai, người mẹ cần cung cấp đủ dinh dưỡng để thai phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, trên không ít trang mạng về tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhiều bà mẹ lại nhận được các tư vấn “trái chiều” như: trong 1-3 tháng đầu là không nên ăn rau muống, mồng tơi, nước dừa.

Nếu mà chúng ta ăn uống những thứ đó thì có nguy cơ sảy thai?! Hay có thông tin cho rằng ăn trứng ngỗng là con sẽ tăng chỉ số IQ (chỉ số thông minh) và khỏe mạnh nên nhiều bà mẹ trong thời gian mang thai đã ăn rất nhiều trứng ngỗng. Kết quả là nhiều bà mẹ khó chịu và đầy bụng, khó tiêu sau thời gian đó. Một trường hợp mà phóng viên được tiếp xúc tại BV Phụ sản Hà Nội: chị Vũ Thu Hương - 38 tuổi, đang có thai 35 tuần.

Kết quả siêu âm cách đây 1 tháng của chị cho thấy, ngôi thai hiện đang ở vị trí ngược. Sau khi đọc thông tin trên mạng, chị được biết “bí quyết” là xoay thai bên ngoài bằng cách xoa bụng. Chính vì vậy, chị và người nhà đã ra sức xoa bụng không kể ngày đêm. Kết quả là do xoa nắn quá nhiều dẫn đến việc âm ỉ đau bụng mấy ngày nên chị đã đến khám và xin ý kiến tư vấn của bác sĩ.

Chỉ đến khi đến BV Phụ sản Hà Nội, được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn chị mới được biết: không nên xoa như vậy vì không những ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bình thường của thai nhi. Việc xoa đó không có tác dụng trong trường hợp thai ngược.

BS. Hương - Khoa Dinh dưỡng BV Phụ sản Trung ương cho biết: “Bà mẹ trong thời gian mang bầu hoặc sau sinh cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không nên kiêng khem. Chưa hề có bằng chứng khoa học nào chứng minh phải hạn chế nguồn dinh dưỡng (những món ăn như: tôm, cua, ốc, hải sản...) để tránh biến chứng sau sinh”. Việc tìm kiếm thông tin liên quan đến sức khỏe trên các trang mạng không hạn chế chỉ ở các bà mẹ mang thai. Theo khảo sát của phóng viên, hầu như tất cả những chứng bệnh hiện nay trước khi tìm đến bác sĩ chuyên khoa, không ít người vào các trang mạng để tìm thông tin sau đó mới thăm khám bệnh tại các bệnh viện.

Loạn “tư vấn” sức khỏe qua mạng - 1

Phụ nữ mang thai cần đến bệnh viện chuyên khoa khám để được tư vấn. Ảnh: ĐA

Lợi ít hại nhiều

Việc tìm kiếm thông tin, tư vấn về sức khỏe trên các trang mạng chưa được kiểm chứng phải khẳng định là “lợi bất cập hại”. Chị Mai Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) không ngại ngần chia sẻ: "Vẫn biết đi khám thì sẽ tốt hơn, nhưng với những triệu chứng hết sức bình thường như đau đầu, sổ mũi hay đau chân, đau tay không nặng lắm thì có thể tham khảo trên mạng cách chữa là được. Đi viện thì cũng chỉ được những thuốc phổ biến thế thôi, mà lại phải chờ xếp hàng, lấy số lâu lắm. Mình thì không có nhiều thời gian.

Nói thật, bệnh nặng thì mới phải vào viện chứ bệnh nhẹ thì tự chữa cho xong. Trên mạng ối thông tin liên quan đấy thôi". Vốn là thành viên của một trang web dành cho các bà mẹ nên chị nhanh chóng nhận được hàng loạt tư vấn của các thành viên khác về các loại "thần dược" khiến chị không khỏi băn khoăn bởi không biết nên chọn loại nào dùng cho con mình thì phù hợp. Chia sẻ về vấn đề này, BS. Vũ Hiếu Lợi - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết: Không ít bệnh nhân tôi khám đã thừa nhận từng dùng một số loại thuốc trước khi đến bệnh viện khám. Hầu hết bệnh nhân đều tự tìm kiếm thông tin thuốc trên mạng dựa theo các triệu chứng biểu hiện bên ngoài của mình.

"Họ nghĩ bệnh của mình đơn giản, chẳng cần đến thăm khám bệnh viện”. BS. Lợi khẳng định: nhiều bệnh nhân cứ có biểu hiện sốt, lạnh run, sổ mũi là nghĩ ngay đến cúm thông thường và tự mua thuốc uống. Nhưng đến khi bệnh không đỡ mà còn rơi vào tình trạng nặng hơn thì mới đến bệnh viện. Rất nhiều bệnh nhân lúc này được chẩn đoán là bị sốt rét ác tính và đã bắt đầu có biểu hiện của biến chứng não và tổn thương gan mật. Điều này chứng tỏ việc tự ý mua thuốc chữa bệnh dù qua internet hay gì đi nữa cũng rất nguy hiểm.

BS. Nguyễn Mạnh Nam - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Với trẻ em, sức đề kháng còn kém, các biểu hiện bệnh lại không rõ ràng, dễ nhầm lẫn giữa các bệnh với nhau, nếu cha mẹ tự ý chữa bệnh cho con theo kiểu... lướt mạng thì sẽ không đảm bảo trẻ được điều trị đúng bệnh. Thực tiễn khoa cấp cứu BV đã phải cấp cứu cho nhiều trường hợp phản ứng thuốc do người nhà tự ý cho bệnh nhân dùng không đúng thuốc và liều lượng thuốc.

Vì vậy, khi thấy có các triệu chứng bệnh đáng nghi ngờ, người bệnh nên đến khám bác sĩ để được tư vấn và có hướng điều trị tốt nhất. Để có thể kết luận và kê đơn thuốc cho bệnh nhân, bao giờ các bác sĩ cũng phải hỏi tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng các bệnh có liên quan để cân nhắc sử dụng các loại thuốc thích hợp, tránh các tai biến nghiêm trọng xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Hậu (Sức khỏe & Đời sống)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN