Loạn “cò” bệnh viện
Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh giải quyết triệt để tình trạng “cò” chèo kéo bệnh nhân nhưng theo lãnh đạo nhiều bệnh viện, khó mà trị tận gốc lực lượng này.
“Mấy em muốn bỏ thai thì đừng vào bệnh viện (BV), người ta bắt trình giấy tờ, khai tên tuổi, số điện thoại người nhà..., phiền phức lắm! Để chị chỉ cho phòng khám của người quen, bảo đảm bí mật lại làm lẹ, không chen chúc như ở đây”.
Một phụ nữ nhanh nhảu bắt chuyện với tôi và cô gái trẻ bên cạnh khi thoáng nghe chúng tôi hỏi lối lên Khoa Kế hoạch hóa - gia đình của BV Từ Dũ - TPHCM.
Chèo kéo, quấy nhiễu, lừa đảo
Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng “cò” làm loạn trước khu khám bệnh của BV. “Chủ yếu là “cò” nạo phá thai, họ nắm được tâm lý ngại ngùng, sợ người khác biết chuyện của các cô gái trẻ. Nếu bị “cò” lừa đến các cơ sở nạo phá thai chui thì rất nguy hiểm, BV đã phải cấp cứu cho nhiều cô gái bị tai biến do nạo phá thai chui” - bà Thủy cảnh báo.
Bà Lý Bạch Thu Nga, Phó Phòng Điều dưỡng BV Từ Dũ, cho biết tại BV còn có hàng loạt “cò”: taxi, cơm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, lấy số khám bệnh… Một số “cò” còn giả làm thân nhân sản phụ đến tận các phòng bệnh lôi kéo người đi taxi mù, taxi chui…
Tại BV Da liễu - TPHCM, khu vực trước cổng số 2 Nguyễn Thông cũng thường xuyên bị lực lượng cò mồi quấy nhiễu. “Cò” tập trung nhiều ở ngã ba Nguyễn Thông - Phạm Đình Toái, cũng mặc áo xanh như đội xe ôm. Khi vừa đến khu vực này, lập tức tôi bị họ chèo kéo: “Đi BV Da liễu quẹo đây gửi xe khám luôn” rồi lôi vào đường Phạm Đình Toái. Thực ra, khu vực gửi xe và khám bệnh của BV đều nằm bên trong khuôn viên BV Da liễu.
Lực lượng “cò” BV Da liễu thường nói dối bệnh nhân rằng “hôm nay BV chỉ khám cho người nước ngoài, người có giấy giới thiệu”, thậm chí khẳng định BV không làm việc. Nhiều “cò” còn chặn xe bệnh nhân từ xa hoặc giả làm người chạy xe ôm hay bảo vệ BV để lừa phỉnh họ đến các phòng khám tư nhân.
“Cò” chực chờ chèo kéo bệnh nhân trước Bệnh viện Mắt Trung ương - Hà Nội. Ảnh: NGỌC DUNG
Trong khi đó, ngoài cổng BV Mắt Trung ương - Hà Nội, khi thấy bệnh nhân, “cò” vẫy tay, mời chào, chèo kéo rất lộn xộn. Vừa dừng xe trước cổng BV này, tôi bỗng giật mình vì cái vỗ vai của một phụ nữ lạ hoắc. “Mua sổ khám đi em, vào kia xếp hàng mua được quyển sổ đã mướt mồ hôi, nói gì đến khám” - bà ta đưa xấp sổ, giọng ngọt ngào. Tôi lấy 3.000 đồng mua quyển sổ khám bệnh, tưởng đã yên nhưng bà ta “bồi” tiếp: “Giờ này mới tới thì đứng xếp hàng tới trưa may ra cũng chỉ mua được phiếu khám. Em muốn khám nhanh không, đưa thêm 50.000 đồng thôi”.
Tôi đồng ý đưa tiền rồi đi theo “cò” này. Dẫn tôi vào đến khu khám bệnh, bà ta “bàn giao” cho một “cò” khác rồi tiếp tục ra ngoài chèo kéo bệnh nhân. “Cò” này dặn tôi đợi để đi lấy phiếu nhưng lát sau trở ra phân trần: “Muộn quá, số khám bác sĩ hết rồi, chỉ còn số khám của giáo sư, tiến sĩ. Em đưa chị thêm 150.000 đồng nữa nhé, khám giáo sư giỏi cho yên tâm”. Dù đã hình dung từ trước nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi họ “làm tiền” trắng trợn như vậy. Khi “xin” lại 50.000 đồng lúc nãy để tự mua phiếu khám, “cò” này liền trở mặt, lạnh lùng: “Cô đòi bà kia kìa”.
Ở các BV lớn tại Hà Nội như Bạch Mai, Ung bướu, K, Phụ sản…, lúc nào cũng có một lực lượng “cò” đông đảo bủa vây bệnh nhân. Ngay trong khu vực chờ khám của BV K, dù có một tấm biển mica nổi bật với lời cảnh báo “Hãy cảnh giác với cò mồi dẫn dắt khám chữa bệnh. Hãy làm theo hướng dẫn của BV” nhưng vẫn có khá đông “cò”. Tại đây, lúc đầu “cò” ra giá khá mềm nhưng sau một hồi “dẫn đường”, họ bắt đầu tăng giá, nhất là khi phát hiện ca bệnh nặng.
Hết “cò” ngoại đến “cò” nội
Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch - Viện Tim mạch Quốc gia, cho rằng “cò” chỉ xuất hiện ở BV công, nhất là những nơi quá tải bệnh nhân - thường có hệ thống hành chính rối rắm, phức tạp.
Đây là được coi là “mảnh đất” màu mỡ để họ kiếm tiền từ bệnh nhân, thậm chí mức thu thập của của một số “cò” BV còn lên tới cả trăm triệu đồng/tháng. Chính vì thế, không ít nhân viên y tế còn kiêm luôn cả nhiệm vụ cò mồi, nhờ bác sĩ này, bác sĩ kia mổ cho “người nhà” để được nhận tiền môi giới.
“Không thể trách bệnh nhân vì khi đến BV, bao giờ họ cũng mong được bác sĩ giỏi khám nhanh, phẫu thuật sớm. Vì thế, nếu không cảnh giác, thậm chí bác sĩ cũng trở thành nạn nhân của “cò”. Để “cắt mối” của “cò”, đơn vị của tôi phải phân công bác sĩ mổ theo tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Việc phân công này thậm chí được thực hiện vào phút chót khi bệnh nhân lên bàn mổ” - bác sĩ Hùng cho biết.
“Cò” Bệnh viện Da liễu ra rất xa để dụ dỗ bệnh nhân. Ảnh: ANH THƯ
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám - Chữa bệnh Bộ Y tế, nhận xét với tình trạng quá tải BV, “cò” lại càng có cơ hội hoành hành. Theo ông, “cò” BV thường có 2 loại: “Cò” nội và “cò” ngoại”. “Cò” nội chính là nhân viên y tế trực tiếp hoặc làm trung gian, tận dụng lợi thế là người của BV, quen biết bác sĩ, nắm rõ quy trình khám và làm thủ tục nhanh hơn; còn “cò” ngoại là những đối tượng ở ngoài BV, luôn tìm cách tiếp cận, thậm chí dọa bệnh nhân, lợi dụng sự cả tin của họ để kiếm tiền. “Nhiều bệnh nhân bị “cò” lừa dẫn đến các phòng khám tư nhân. Thậm chí, có trường hợp sau khi nhận tiền “dịch vụ” xong, “cò” thường kiếm cớ “tôi ra chỗ này gọi điện cho bác sĩ trước” rồi biến mất” - ông Khuê lo ngại.
Khó thể dẹp bỏ
Dù luôn nườm nượp người đến khám - chữa bệnh nhưng trước cổng BV Da liễu và quanh các bờ tường vẫn có hàng chục tấm bảng “mời mọc”: “Mời bà con vào trong BV khám - chữa bệnh, không cần giấy giới thiệu”… cùng hệ thống loa phát thanh liên tục mời bệnh nhân vào bên trong. Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ BV Da liễu, giải thích: “Đây là cách giúp bệnh nhân không bị “cò” lừa đảo. Theo một cuộc khảo sát của chúng tôi, khá nhiều bệnh nhân cho biết họ đã bị “cò” lừa đi khám bên ngoài 1-2 lần khi đến BV Da liễu. Do chất lượng dịch vụ những nơi đó không tốt, họ phải trở lại BV để điều trị”.
Theo lãnh đạo nhiều BV, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt quả tang nhiều kẻ cò mồi gây lộn xộn trước cổng BV. Tuy nhiên, do chế tài xử lý hành vi gây mất trật tự công cộng hiện còn quá nhẹ, không đủ răn đe nên sau khi bị xử phạt, các đối tượng này vẫn tiếp tục hoạt động. Ông Đỗ Việt Hải, Trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ BV Mắt Trung ương, cho biết BV đã nhờ công an phường hỗ trợ xử lý “cò” nhưng khi lực lượng chức năng tới thì họ biến mất, sau đó xuất hiện trở lại.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng “cò” BV cũng giống nạn trộm cắp hay nhiều tệ nạn xã hội khác, khó trị tận gốc. BV đã dán ảnh những đối tượng cò mồi để bệnh nhân cảnh giác nhưng vẫn không thể xử lý triệt để. “Dù cố gắng đến đâu, các BV cũng chỉ làm giảm bớt chứ không thể xóa bỏ hoàn toàn tình trạng cò mồi. Về tình trạng “cò” nội, nếu phát hiện được thì cần phải xử lý nghiêm khắc” - ông Hiền đề nghị.
Cần địa phương hỗ trợ Theo dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, BV Từ Dũ rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và lực lượng công an để dẹp bỏ cò mồi quấy nhiễu bệnh nhân bên ngoài khuôn viên BV. Khu vực lòng, lề đường bên ngoài vốn không thuộc sự quản lý của BV nên các nhân viên bảo vệ khó lòng làm gì được “cò”. “Sắp tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền địa phương về vấn đề này. Chúng tôi rất muốn cổng BV của mình thoát khỏi sự lộn xộn của cò mồi, taxi dù, hàng rong... như hiện nay” - bà Thủy mong mỏi. Theo ông Huỳnh Ngọc Thạch, BV Da liễu đã có sự phối hợp với lực lượng dân phòng địa phương để bảo đảm an ninh trước cổng BV. Tuy nhiên, nhiều “cò” khá tinh ranh, chặn bệnh nhân từ xa nên nhiều người vẫn bị lừa. Kiểm tra các điểm nóng về “cò” bệnh viện Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai những biện pháp quyết liệt để giải quyết triệt để tình trạng “cò” chèo kéo bệnh nhân. Vì thế, hoạt động của “cò” ngày càng có những chiêu thức tinh vi. Vì vậy, ngoài việc yêu cầu các BV tăng cường rà soát, kiểm tra tại đơn vị mình, có các biện pháp giáo dục, nhắc nhở cán bộ, nhân viên về việc thực hiện y đức, Bộ Y tế còn lập các đoàn kiểm tra tại các điểm nóng về “cò” BV. “Không loại trừ có hiện tượng tiếp tay của nhân viên y tế cho “cò” móc túi người bệnh. Nếu phát hiện những nhân viên y tế có dấu hiệu “móc ngoặc”, tiếp tay cho “cò”, cần phải xử lý nghiêm khắc. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo các BV” - ông Khuê nhìn nhận. |