Lở loét toàn thân, hoại tử da ở bộ phận sinh dục vì tự ý dùng thuốc
Ông Nguyễn Văn Cư (55 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đến khám vì bị nổi ban đỏ ở da, kèm các mụn nước, bóng nước, viêm loét ở miệng và hoại tử da ở bộ phận sinh dục do tự ý sử dụng thuốc.
Bệnh nhân bị lở loét toàn thân do tự ý dùng thuốc
Chiều 5/12, bác sĩ Trần Thiên Tài, Khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, thời gian qua phòng khám đã tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh bị bị dị ứng thuốc khiến mặt nổi bóng nước, có chỗ đã trợt và hoại tử, ngoài ra còn viêm loét ở miệng và bộ phận sinh dục.
Trường hợp gần đây nhất, phòng khám đã tiếp nhận ông Nguyễn Văn Cư (55 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đến khám vì bị nổi ban đỏ ở da, kèm các mụn nước, bóng nước, viêm loét ở miệng và hoại tử da ở bộ phận sinh dục.
Ông Cư cho biết, trước đó ông tự sử dụng một loại thuốc dùng cho người bệnh gout. Sau khi dùng khoảng 20 ngày thì bắt đầu xuất hiện các triệu chứng viêm lóet da. Ngay sau đó ông Cư sau đã được nhập viện điều trị và theo dõi.
Một trường hợp khác, bà Lê Thị Chu (42 tuổi, ngụ tại tỉnh Tiền Giang) đến khám vì có các thương tổn da tương tự, hỏi tiền sử bệnh ghi nhận được, trước đó bà Chu có sử dụng một loại kem thuốc không rõ nguồn gốc. Sau khi dùng liên tục 10 ngày, bà Cư bắt đầu có biểu hiện bệnh. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bà Cư được chẩn đoán dị ứng thuốc rất nặng.
Theo BS. Tài, sử dụng thuốc hiện nay ngày càng bừa bãi, không tuân theo chỉ định của bác sĩ nên gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy.
BS Tài khuyến cáo, người bệnh cần được can thiệp điều trị sớm bằng các phương pháp như điều trị nâng đỡ như bồi hoàn đầy đủ nước và điện giải, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, chăm sóc vùng da và niêm mạc bị trợt, hoại tử, ngoài ra còn điều trị bằng các thuốc khác nhau.
“Những người bệnh bị dị ứng thuốc đều cần phải nhập viện, theo dõi chặt chẽ. Sau khi tình trạng đã ổn định, cần tìm ra nguyên nhân. Đối với những trường hợp bị dị ứng thuốc, cần xác định loại thuốc bị dị ứng và sau khi xuất viện, bác sĩ cần tư vấn cho người bệnh tuyệt đối không được sử dụng lại loại đã gây dị ứng”, BS Tài thông tin.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, những trường hợp bị dị ứng do thuốc do tự ý sử dụng đến khám và điều trị tại Trung tâm không phải hiếm gặp để lại hậu quả khó lường.
Bác sĩ Đoàn khuyến cáo: “Bệnh nhân không tự điều trị bệnh, chỉ nên dùng thuốc theo đơn. Tuyệt đối không dùng thuốc theo sự mách bảo hay đồn thổi. Không dùng thuốc mất nhãn, chuyển màu…Người bệnh cũng nên nhớ rằng thuốc sẽ phản tác dụng nếu như thầy thuốc kê đơn, bốc thuốc không đúng bệnh, đúng liều lượng”.
Dấu hiệu dị ứng thuốc bao gồm: Nổi ban hồng ban đa dạng ở da, niêm mạc, nhiều mụn nước, bóng nước, có nhiều chỗ trợt và hoại tử da, tổn thương dạng hình bia không điển hình, kèm theo đó là những tổn thương niêm mạc lan tỏa gây viêm lở loét các hốc tự nhiên, thường từ 2 hốc trở lên như viêm loét chảy máu trong miệng và quanh miệng, viêm kết mạc, chảy máu dưới kết mạc, loét giác mạc, viêm đường sinh dục tiết niệu sau diễn tiến lan rộng ra toàn thân. …