Liệu pháp “bỏ đói” tế bào ung thư vú
Quan sát quá trình tế bào ung thư vú đốt năng lượng, các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Thomas Jeffferson hy vọng có thể từ đó tìm ra liệu pháp mới để chữa trị ung thư trong nghiên cứu mới được công bố trên tờ Journal of Biological Chemistry.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát một dạng protein mà họ từng biết có thể thay đổi cơ chế chuyển hóa của tế bào ung thư. Protein TIGAR làm giảm khả năng tạo ra năng lượng trong quá trình sinh - hóa học thông thường là chuyển đường thành năng lượng. Sau hàng loạt thử nghiệm trên cơ thể chuột và trên tế bào, nhóm nghiên cứu phát hiện tế bào ung thư vú với lượng TIGAR ở mức độ cao thì hung hăng hơn và tăng trưởng nhanh hơn so với tế bào có lượng TIGAR bình thường. Với áp lực của TIGAR, cơ chế chuyển hóa của tế bào ung thư thay đổi và tùy thuộc vào ti thể để sản sinh năng lượng.
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Martinez-Outschoorn, giải thích: “Với thực tế cho thấy 70%-80% ca ung thư vú có mức độ TIGAR tăng cao mang đến cơ hội mới. Hiện đã có liệu pháp ngăn chặn cơ chế chuyển hóa của ti thể mà chúng ta có thể áp dụng để bỏ đói tế bào ung thư vú”.
Khi nhóm nghiên cứu sử dụng các loại thuốc nêu trên, họ nhận thấy mức độ ác tính của ung thư giảm sút. Sắp tới, họ sẽ thu thập và phân tích số liệu về khối u của bệnh nhân để ghi nhận hiệu quả chắc chắn của thuốc này lên khối u ung thư.