Liên tiếp tiếp nhận bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) gần đây đã liên tục tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng sốt, chán ăn, sụt cân, cùng với hiện tượng sưng và áp xe ở một số vị trí trên cơ thể.

Trường hợp bệnh nhân T.V.L (58 tuổi ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vào viện trong tình trạng viêm phổi, áp xe tiền liệt tuyến, trực tràng, kém ăn, sụt cân. Áp xe chính là các ổ nhiễm trùng do vi khuẩn tạo ra. Theo bệnh nhân chia sẻ, xung quanh khu vực ông sinh sống cũng từng có trường hợp nhiễm bệnh Whitmore và tử vong.

Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Một trường hợp khác là bệnh nhân P.C.G (48 tuổi, trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), làm nghề nông và thợ xây, thường xuyên tiếp xúc với bùn đất. Khi nhập viện, bệnh nhân có triệu chứng sốt, sưng đau và xuất hiện ổ áp xe ở tay trái, kèm theo đau nhức trong xương. Trước đó, bệnh nhân đã nhiều lần bị áp xe ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, bệnh tái đi tái lại, nhưng đi khám tại các cơ sở y tế trước đây không xác định được nguyên nhân.

Điều đáng chú ý là cả hai bệnh nhân trên đều có tiền sử bệnh đái tháo đường. Sau khi xác định được nguyên nhân, họ đã được điều trị theo phác đồ kháng sinh dành cho bệnh Whitmore mà Bộ Y tế khuyến cáo. Đồng thời, bệnh nhân còn được phối hợp điều trị với các chuyên khoa khác nhằm xử lý các ổ áp xe, kiểm soát đường huyết, cung cấp dinh dưỡng và cải thiện thể trạng. Hiện tại, các bệnh nhân đã cắt sốt, ổ áp xe đã được xử lý, và tình trạng sức khỏe có dấu hiệu cải thiện.

Ngoài ra, Trung tâm Bệnh nhiệt đới cũng tiếp nhận bệnh nhân L.D.D (45 tuổi, trú tại Thái Bình), làm nghề lái tàu biển. Bệnh nhân này cũng có tiền sử bệnh đái tháo đường và được phát hiện có ổ áp xe trong não. Khi chuyển đến Trung tâm Thần kinh để thực hiện cấy máu và mủ, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh nhiệt đới để điều trị. Sau hơn 20 ngày điều trị kháng sinh và hồi sức tích cực, bệnh nhân đã đỡ sốt, giảm đau đầu, kết quả xét nghiệm ổn định. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ cần tiếp tục điều trị kháng sinh và theo dõi ít nhất 6 tháng nữa.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới khuyến cáo người dân nên tránh tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước bẩn bị ứ đọng lâu ngày, đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, trầy xước hoặc chảy máu, và đặc biệt đối với những người có bệnh lý nền.

Việt Nam là một trong những vùng dịch tễ lưu hành bệnh Whitmore. Khi bệnh nhân có triệu chứng sốt kèm theo các ổ viêm và áp xe ở nhiều nơi, cần nghĩ đến nguy cơ nhiễm vi khuẩn Whitmore, nhất là ở những người có bệnh nền như đái tháo đường. Việc phát hiện sớm vi khuẩn Whitmore thông qua xét nghiệm là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị, giúp giảm nguy cơ tử vong.

Có một số đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh Whitmore và bệnh dễ tiến triển nặng hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Vi khuẩn Whitmore ăn mòn cơ thể Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN