Liên tiếp các ca nhập viện do đuối nước, chuyên gia chỉ cách thoát hiểm cho trẻ trong mùa mưa bão

Sự kiện: Sống khỏe

Để hạn chế thấp nhất rủi ro do đuối nước gây ra đối với trẻ em, các chuyên gia nhận định, cần tăng cường giáo dục về phòng chống đuối nước cho trẻ cũng như dạy trẻ những kỹ năng giúp các em tự bảo vệ mình từ đó giảm thiểu các thiệt hại không đáng có.

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tai nạn đuối nước ở trẻ em nhưng tình trạng này vẫn liên tục xảy ra trong thời gian gần đây.

Theo BS CKII Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ tính riêng trong ngày 3/9/2022, tại Khoa cấp cứu Chống độc đã liên tiếp nhận 6 trẻ nhập viện điều trị do đuối nước (độ tuổi của trẻ từ 3-12 tuổi) rải rác ở một số tỉnh thành phía Bắc.

Trong 6 trẻ nhập viện, có 1 trẻ do tình trạng bệnh quá nặng các bác sĩ đã giải thích và gia đình xin cho cháu về, 2 trẻ phải nằm theo dõi liên tục tại Khoa Điều trị tích cực nội khoa, các trẻ còn lại sức khoẻ đang dần ổn định.

Các ca đuối nước chủ yếu xảy ra khi trẻ đi bơi, đi du lịch biển hoặc tự chơi gần ao hồ, sông ngòi mà không có sự giám sát của người lớn nên dẫn đến các sự cố đáng tiếc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đặc biệt, theo các chuyên gia, trong mùa mưa bão như hiện nay, người lớn càng phải thận trọng với tai nạn đuối nước ở trẻ em. Bởi các ao, hồ, sông, ngòi thường là nơi có mức độ rủi ro về tai nạn đuối nước rất cao, kèm theo mưa bão dễ gây ngập lụt lại càng tiềm ẩn nguy hiểm nhiều hơn.

Do đó, để hạn chế thấp nhất rủi ro do đuối nước gây ra đối với trẻ em, các chuyên gia nhận định, phương pháp hiệu quả nhất hiện nay vẫn là việc giáo dục về phòng chống đuối nước cho trẻ cũng như dạy trẻ những kỹ năng giúp các em tự bảo vệ mình từ đó giảm thiểu các thiệt hại không đáng có.

Kỹ năng thoát hiểm khi bị đuối nước

Theo Viện Khoa học an toàn Việt Nam, khi bị rơi xuống nước, tâm lý của chúng ta thường rất hoảng loạn. Ngay cả những người biết bơi cũng có nguy cơ chết đuối nếu bị rơi xuống nước bất ngờ.

Để có thể tự cứu mình thoát khỏi chết đuối ngay cả khi không biết bơi, đầu tiên là phải tự sốc lại tinh thần, lấy lại bình tĩnh, bắt đầu nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, biến cơ thể thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.

Sau đó, tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.

Khi cơ thể đã đẩy lên mặt nước bạn dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.

Khi chuyển động lên xuống, chuyển động về phía trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc bằng mồm. Khi nhô được lên mặt nước cố gắng ra tín hiệu cầu cứu để có người hỗ trợ nhanh nhất có thể.

Các bước sơ cứu đúng khi trẻ bị đuối nước

BS Nguyễn Tân Hùng cho biết, việc sơ cứu trẻ bị ngạt nước, đuối nước đúng kỹ thuật cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của nạn nhân. Theo đó, các bước sơ cứu đúng khi trẻ bị đuối nước đó là:

Bước 1: Gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí. Kiểm tra xem nạn nhân có bị chấn thương cột sống cổ hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ cho trẻ bằng túi cát… và tiến hành khai thông đường thở cho trẻ.

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…

Bước 4: Sau khi trẻ tỉnh cần đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.

Bước 5: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.

Phòng ngừa đuối nước trong mùa mưa bão

Để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị đuối nước, nhất là trong mùa mưa bão, các chuyên gia khuyến cáo, gia đình cần cảnh giác với những khu vực dễ xảy ra đuối nước. Cụ thể, cần rào ao, các hố nước, rãnh nước quanh nhà và làm cổng chắc chắn trẻ không tự mở được, giữ cổng luôn đóng. Làm cửa chắn nếu nhà gần ao, hồ, làm cửa chắn an toàn: rào dọc, khoảng cách giữa các thanh rào tối đa 15 cm, chiều cao rào tối thiểu là 80 cm.

Không để trẻ chơi một mình mà không giám sát, không cho trẻ chơi gần ao hồ, sông suối; đổ nước trong các xô, chậu, đồ chứa nước khi không cần dùng; luôn đậy nắp giếng, bể… bằng các nắp đậy an toàn (cứng, trẻ dẫm lên không lọt).

Đối với những người ở vùng bị lũ lụt do mưa bão, giường ngủ nên có 3 vách để đêm trẻ không lăn xuống nước. Hoặc khi ngủ thì có sợi dây thòng vào cổ chân trẻ rồi đầu kia buộc vào thành giường hoặc vào can để nếu đêm ngủ trẻ rơi xuống nước thì có thể cứu được.

Cho trẻ mặc áo phao khi đi trên thuyền đồng thời chuẩn bị sẵn các phương tiện cứu hộ như dây thừng, phao… trong nhà để kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Những sai lầm khiến trẻ có thể nặng hơn khi bị đuối nước

Khi xoa bóp tim ngoài lồng ngực hãy bình tĩnh không ấn ngực quá mạnh sẽ gây chấn thương phổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Khôi ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN