Liên tiếp 2 bé trai phải cắt bỏ tinh hoàn do căn bệnh nhiều cha mẹ chủ quan bỏ qua

Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa liên tục tiếp nhận 2 bé trai bị xoắn tinh hoàn nhưng nhập viện trễ. Các bác sĩ đã phải thực hiện cuộc phẫu thuật cắt tinh hoàn cho bệnh nhi sau khi nỗ lực điều trị bảo tồn bất thành.

Ngày 16/3, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, 2 trường hợp trên được chuyển đến bệnh viện khi đã trong tình trạng nặng. Trường hợp thứ nhất là cậu bé N.M.T. (6 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng vùng bìu sưng đỏ. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước đó khoảng 3 ngày bé than đau vùng kín. Người nhà đã chủ quan cho rằng trẻ chỉ đau bình thường sẽ hết.

Tuy nhiên, 3 ngày sau, tình trạng của bé ngày càng nghiêm trọng hơn, cơn đau xuất hiện nhiều, vùng kín sưng tấy. Gia đình vội chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám. Kết quả siêu âm của bác sĩ ghi nhận, tinh hoàn bên trái của bé đã bị xoắn dẫn tới thiếu máu nuôi. Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị bảo tồn nhưng bất thành nên buộc phải cắt bỏ tinh hoàn để tránh nhiễm trùng hoại tử nguy hiểm đến sức khỏe của bệnh nhi.

Cần nhận biết sớm dấu hiệu xoắn tinh hoàn ở trẻ để can thiệp kịp thời (ảnh: minh họa)

Cần nhận biết sớm dấu hiệu xoắn tinh hoàn ở trẻ để can thiệp kịp thời (ảnh: minh họa)

Tương tự, là trường hợp của bé L.V.P. (5 tuổi, ngụ tại Bình Dương). Bệnh nhi được đưa đến cơ sở y tế ở địa phương kiểm tra sau 2 ngày bị sưng, đau vùng bìu. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm tinh hoàn và cho thuốc điều trị. Tuy nhiên, sau nhiều ngày uống thuốc tình trạng của bệnh nhi không thuyên giảm, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 kiểm tra thì tinh hoàn bên trái của bệnh nhi đã tổn thương nghiêm trọng không còn khả năng phục hồi, buộc phải cắt bỏ.

Từ 2 trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng bìu cấp. Biểu hiện ở trẻ bị xoắn tinh hoàn thường dễ bị nhầm lẫn với các nguyên nhân gây đau bìu khác như viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, xoắn mấu phụ tinh hoàn. Tuy nhiên, trên hình ảnh siêu âm, các bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện tình trạng xoắn tinh hoàn bệnh nhi gặp phải.

Xoắn tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và tuổi dậy thì. Với những trẻ bị xoắn tinh hoàn nếu được phát hiện sớm, can thiệp phẫu thuật tháo xoắn trong thời gian 6 giờ vàng, tỷ lệ bình phục hoàn toàn có thể đạt hơn 90%. Tuy nhiên, với những trẻ phát hiện, can thiệp muộn sau 12 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, khả năng bình phục chỉ còn dưới 10%.

Xoắn tinh hoàn phải cắt bỏ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn khiến trẻ tự ti, mặc cảm khi đến tuổi trưởng thành. Để kịp thời phát hiện, can thiệp cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như sưng, đau vùng bìu và tinh hoàn, cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi càng sớm càng tốt.

Bé trai đau vùng bìu không đi khám ngay, tinh hoàn bị tím đen phải cắt bỏ 1 bên

Bệnh nhi Q. sưng đau bìu trái 3 ngày không đi khám và điều trị do lo ngại tình trạng dịch bệnh COVID-19 nên không đi khám.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Sơn ([Tên nguồn])
Sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN