Lên cơn đau tim mà chỉ có một mình, phải làm sao?
Lên cơn đau tim, đột quỵ đột ngột là mối lo của rất nhiều người, đặc biệt là trong khoảng thời gian họ chỉ sống một mình.
Dấu hiệu cơn đau tim
Để nhanh chóng phản ứng, bạn cần sớm nhận ra dấu hiệu đầu tiên của cơn đau tim. Những dấu hiệu thường gặp bao gồm:
- Đau ngực trầm trọng: Trung tâm phần trái của ngực như bị siết chặt, nặng nề, tức ngực, kéo dài ít nhất 20 phút. Cơn đau có thể lan lên phần tay trên tay trái, cổ, hàm.
- Đổ mồ hôi, cảm giác suy sụp.
Khoảng 90% người bị đau tim trải qua những dấu hiệu này. Tuy nhiên, người lớn tuổi, phụ nữ, người bị tiểu đường có thể bị đau tim mà không có dấu hiệu rõ rệt. Dấu hiệu khi đó rất mờ nhạt, ví dụ như hơi thở ngắn, đau ngực nhẹ, buồn nôn, ói, đau bụng trên.
Phải làm gì khi lên cơn đau tim?
Khi bị đau tim, dù ở một mình hay với nhiều người, điều đầu tiên bạn cần làm là phải gọi cấp cứu y tế. Lúc này, bạn nhất thiết phải ngưng tất cả mọi việc đang làm, chọn một chỗ an toàn để nghỉ ngơi và gọi cấp cứu. Còn nếu đang lái xe thì bạn phải tấp vào lề đường và gọi người giúp đỡ càng sớm càng tốt.
Làm gì khi đang chờ cấp cứu tới?
Nhiều nghiên cứu lớn cho thấy uống thuốc aspirin - loại thuốc làm loãng máu phổ biến nhất trên thế giới, có thể tăng khả năng sống sót khi bị đau tim. Hầu hết các ca đau tim đột quỵ đều do hình thành cục máu đông trong mạch máu có nhiệm vụ chuyển máu đến tim, ngăn máu chuyển oxy đến tim, gây hại cho cơ tim, khiến tim dần chết.
Uống aspirin khi lên cơn đột quỵ ngăn cản cục máu đông này càng lớn hơn, tạo cho cơ thể một cơ hội để phá vỡ cục máu này. Nếu có sẵn aspirin và không bị dị ứng thuốc này, bạn có thể uống khi chờ đợi cấp cứu tới.
Những điều không nên làm
Thuốc nitroglycerin tạm thời mở rộng mạch máu thực sự không có tác dụng ngăn cản đột quỵ hay tăng khả năng sống sót. Thuốc này chỉ có lợi cho bệnh nhân đau thắt ngực do mất cân bằng lượng cung và cầu máu đến tim nhưng nguyên nhân là do mạch máu bị hẹp. Còn đau tim, trụy tim nguyên nhân là do máu đông.
Các phương pháp "tự giúp đỡ" mà nhiều người truyền nhau như ho liên tục hoặc đè ép lên vùng ngực cũng không có mấy tác dụng. Chỉ trong những trường hợp hiếm hoi như nhịp tim quá chậm do cơ chế phản xạ bất thường, ho có thể giúp khôi phục nhịp tim bình thường. Nhưng điều này không xảy ra khi bị đột quỵ.
Tương tự, đè ép lên vùng ngực không có tác dụng nhiều trừ phi tim bệnh nhân đã ngừng đập. Ngay cả khi điều này xảy ra, phương pháp hồi sức tim phổi này vẫn phải được thực hiện bởi người đã qua huấn luyện.