Lần đầu tiên ở VN: Cứu sống trẻ non tháng bị teo ruột

Lần đầu tiên, BV Nhi TƯ cứu sống trẻ non tháng bị teo ruột 9 chỗ kết hợp dị tật ruột quay bất thường.

BV Nhi TƯ vừa công bố việc phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nhi nhỏ tuổi nhất bị teo ruột tới 9 chỗ kết hợp dị tật ruột quay bất thường. Đó là bé trai Nguyễn Thanh Bình (Thanh Hóa) sinh non khi mới được 32 tuần tuổi, chỉ nặng 1,9kg. Bé đã thoát khỏi cửa ải tử thần nhờ được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật cấp cứu khi mới 2 ngày tuổi. Đây cũng là bệnh nhi đầu tiên ở Việt Nam mắc bệnh lý này ở mức độ rất nặng được cứu sống.

Lần đầu tiên ở VN: Cứu sống trẻ non tháng bị teo ruột - 1

Lần đầu tiên tại VN, các bác sĩ BV Nhi TƯ đã cứu sống bệnh nhi 2 ngày tuổi bị teo ruột 9 chỗ 

Theo gia đình bệnh nhi, trong giai đoạn trước sinh, kết quả siêu âm của bé đã nghi ngờ cháu bị tắc tá tràng. Sau sinh, bé Bình đã phải chuyển đến BV Nhi Trung ương do có biểu hiện nôn nhiều dịch xanh và không đi ngoài phân su.

Tại khoa Cấp cứu- chống độc, sau khi làm xét nghiệm và chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tắc tá tràng bẩm sinh và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khi mới được 2 ngày tuổi.

Trong quá trình phẫu thuật, ngoài bị teo tá tràng gián đoạn, bệnh nhi còn bị teo ruột tại 8 vị trí, rải rác khắp chiều dài ruột non, đồng thời, mắc dị tật ruột quay bất thường. Bệnh nhi đã được các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chữa dị tật ruột quay, cắt các chỗ ruột teo và nối ruột với tổng số 7 miệng nối. Ngày thứ 15 sau mổ, cháu bé được phẫu thuật lần 2 dẫn lưu áp xe ổ bụng, kiểm tra không thấy rò miệng nối.

Sau thời gian điều trị tích cực tại khoa Hồi sức ngoại, sức khỏe của bé Thanh Bình đã hồi phục và xuất viện. Tính đến nay, sau gần 3 tháng phẫu thuật, sức khỏe của bé đã ổn định ăn tốt, tăng cân và không còn triệu chứng tắc ruột.

PGS. TS Trần Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Ngoại cho biết, teo ruột là một trong những dị tât bẩm sinh phổ biến gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh. Điều trị teo ruột bằng phương pháp phẫu thuật, chủ yếu là nối lại ruột, có lúc phải dẫn lưu ruột rồi nối lại sau nếu thể trạng bệnh nhân nhiễm trùng. Các bệnh nhi teo ruột mà phải làm 1-2 miệng nối thì tỷ lệ sống khoảng 80-90% (phụ thuộc vào cả các dị tật kèm theo và chiều dài của ruột còn lại). Các biến chứng liên quan đến teo ruột chủ yếu là rò miệng nối, hẹp miệng nối, hội chứng ruột ngắn…

Điều trị teo ruột là bằng phẫu thuật nối lại ruột là một trong những kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ngoại nhi vì nguy cơ biến chứng liên quan đến miệng nối trong teo ruột rất cao. Ở những trẻ bị teo ruột nhiều đoạn (hay gặp nhất thường chỉ 2-3 chỗ), phải thực hiện nhiều miệng nối thì phẫu thuật càng khó khăn và tiên lượng càng nặng. Trường hợp của cháu Bình, teo tới 9 chỗ khác nhau và phải làm tới 7 miệng nối là rất hiếm gặp. Y văn thế giới ghi nhận vài báo cáo về ca bệnh với phẫu thuật 5 miệng nối thành công, chỉ có 1 báo cáo 9 miệng nối.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cho đến nay mới có 1 trường hợp bệnh nhi teo ruột nhiều chỗ được GS Nguyễn Thanh Liêm - Nguyên Giám đốc BV Nhi TƯ tiến hành với 5 miệng nối.

“Ca bệnh này thành công sẽ là tiền đề để các bệnh nhi mắc các bệnh hiểm nghèo do nguyên nhân tương tự được cứu sống”- PGS Sơn cho biết thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T. Uyên (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN