Lần đầu tiên mổ nội soi hẹp van tim hai lá

Viện Tim Mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) vừa mổ nội soi hẹp van tim hai lá cho anh Đoàn Ngọc Thống, 38 tuổi, ở Thanh Hoá.

Đây là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được mổ nội soi thay van hai lá. Anh Thống cho biết, từ cuối năm 2012, anh thấy mệt, khó thở khi gắng sức, đôi lúc đau ngực. Sau khi đi khán, bác sĩ chẩn đoán hẹp van hai lá, bắt đầu có suy tim. Điều trị nội khoa không còn tác dụng, thay van tim nhân tạo là giải pháp cuối cùng để cứu bệnh nhân.

Lần đầu tiên mổ nội soi hẹp van tim hai lá - 1

Bệnh nhân Đoàn Ngọc Thống trước và sau phẫu thuật

Ca mổ thực hiện vào ngày 23/3, kéo dài trong 3 tiếng, lâu hơn ca mổ bình thường nhưng hiệu quả lại tốt hơn rất nhiều. Các bác sĩ đã tạo 2 lỗ nhỏ trên lồng ngực để đặt dụng cụ mổ nội soi, đồng thời rạch một đường khoảng 3cm để đưa van nhân tạo vào. Một ngày sau, anh có thể ngồi dậy, đi lại, ăn uống bình thường. Trong khi với bệnh nhân mổ mở, để liền xương cũng phải mất 3-4 tháng.

Ngày 28/3, TS. Dương Đức Hùng, Trưởng Khoa Can thiệp tim mạch, Viện tim mạch Quốc gia cho biết, trường hợp bệnh nhân Thống thay vì phải cưa, mổ xương ức với đường rạch khoảng 15cm, bác sĩ chỉ cần tạo 2-3 lỗ nhỏ với độ dài 3-5cm là có thể thay van hai lá cho bệnh nhân tim.

Lần đầu tiên mổ nội soi hẹp van tim hai lá - 2

Bệnh nhân Đoàn Ngọc Thống sẽ được xuất viện ngày hôm nay (29/3)

 Bác sĩ Hùng khẳng định, đây là một kỹ thuật khó và đòi hỏi phải có những dụng cụ phẫu thuật chuyên biệt. Chỉ với 2 lỗ đưa dụng cụ nội soi (5 mm) và mở 3 cm bên ngực phải để đưa van tim nhân tạo vào cơ thể. Bệnh nhân bị mất máu không đáng kể nên không phải truyền máu. Đặc biệt, với những ca phẫu thuật như thế này, bệnh nhân cũng ít có cảm giác đau đớn và hồi phục nhanh hơn nhiều” - bác sĩ Hùng chia sẻ. 

Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, đây là phương pháp phẫu thuật can thiệp có nhiều ưu điểm.

Vết mổ nhỏ, nhanh liền sẹo, tính thẩm mỹ cao. Bệnh nhân không bị cưa xương ức, không phải dùng chỉ thép để khâu vết mổ nên không có biến chứng chảy máu hay nhiễm trùng xương ức sau mổ.

Bên cạnh đó, lượng máu mất trong mổ cũng rất ít nên không cần truyền máu, tránh nguy cơ tai biến do truyền máu. Người bệnh cũng ít đau hơn, thời gian thở máy và bình phục ngắn hơn.

Cũng theo GS Việt, bệnh van tim 2 lá chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh về van tim (hơn 70%), thường gặp là hẹp 2 lá, hở 2 lá hoặc phối hợp cả 2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN