Làm việc này thường xuyên, con bạn có thể bị điếc

Theo các chuyên gia tai mũi họng, việc cha mẹ thường xuyên vệ sinh tai của con không đúng cách đã gây họa cho con.

Viêm nhọt ống tai

Chị Nguyễn Thị Thúy trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết từ khi sinh con, chị đã nghĩ sẽ vệ sinh thật sạch sẽ tai để tránh bệnh viêm tai giữa.

Hàng ngày, cứ tắm xong chị lại lấy tăm bông ngoáy và hàng tháng 2 lần chị lấy ráy tai cho con bằng dụng cụ lấy ráy tai của người lớn.

Mỗi lần vệ sinh như thế, chị Thúy rất thích vì tai con trông sạch sẽ, chỉ cần nhìn thấy mảng bám nào chị cố cào ra bằng được. Gần đây, chị thấy bé hay kêu đau tai, nhai cháo bé cũng khóc vì đau. Chị Thúy lấy đèn pin từ điện thoại soi thấy tai con đỏ lên và có mùi rất khó chịu. Chị nghĩ con có thể bị thối tai nên lại tự ý mua thuốc về thổi vào tai trị thối tai.

Song tình trạng bệnh ngày càng nặng. Đến khi bé bị đau quá chị mới cho con đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị viêm ống tai. Bác sĩ hỏi chị Thúy có thường xuyên lấy ráy tai cho con không, chị nghĩ đó là việc làm đúng nên kể hết chu kỳ lấy ráy tai cho con của mình. Chị không biết rằng viêm tai của con lần này là do vết thương lấy ráy tai gây ra.

Bác sĩ Dương Văn Trường, Khoa Tai-mũi-họng, Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương cho biết, nhiều phụ huynh cứ nghĩ ráy tai là chất cặn bạ, gây mất vệ sinh và cần phải thường xuyên làm sạch. Quan niệm đó là sai lầm vì theo bác sĩ Trường, ráy tai phần nào chính là vệ sĩ bảo vệ tai, nhất là với trẻ nhỏ.

Ráy tai giúp ngăn cản các con vật nhỏ như kiến, sâu bọ bò vào tai. Do tai ngoài thường xuyên tiết dịch nên tạo lớp ráy tai, và theo nguyên lý ráy tai thường tự sinh và tự đào thải ra ngoài. Chỉ trừ trường hợp để quá lâu, quá nhiều gây nút ráy tai, ảnh hưởng đến thính giác của trẻ. Tuy nhiên với trường hợp này, phụ huynh cũng nên đưa con đến bác sĩ để được lấy ráy tai. “Nhiều trường hợp, cha mẹ không biết cách lấy ráy tai cho trẻ, dùng bông tăm ngoáy càng khiến nút ráy tai bị đẩy sau vào trong, làm giảm thính lực của trẻ”, ông Trường khuyến cáo.

Cùng quan điểm, bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết rất nhiều người có sai lầm này. Họ nghĩ rằng làm sạch tai, mũi họng là giúp con khỏe mạnh nhưng thực tế có khi thành hại con. Những tai nạn do ngoáy tai, lấy ráy tai cho trẻ xảy ra rất nhiều.

Cảnh giác trẻ tự ngoáy tai

Trường hợp của bé Nguyễn Thùy An trú tại Hoàng Mai, Hà Nội là điển hình. Bé An 2 tuổi được mẹ ngoáy tai cho từ nhỏ nên khi tắm xong bé sẽ phải ngoáy tai. Một lần mẹ của Thùy An chưa kịp ngoáy cho con, bé An đã với lấy bông tăm trong lọ tự ngoáy ngoáy. 

Vừa ngoáy tai vừa chơi, bé ngã vào cầu thang, bông tăm xiên vào trong ống tai sâu khiến thính lực của bé bị suy giảm chỉ còn 2/10. 

Bác sĩ Trần Thu Thủy cho biết ráy tai giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Sự tích tụ của ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ. Trái lại, thiếu các thành phần bôi trơn và diệt khuẩn của ráy tai, tai có thể bị khô và ngứa. 

Nhiều người nhầm tưởng rằng cần loại bỏ ráy tai hàng ngày như một biện pháp vệ sinh thân thể. Thực tế không phải như vậy, bình thường cha mẹ không cần làm vệ sinh ống tai cho bé. Trong đa số trường hợp, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch. Nhờ động tác nhai và chuyển động của hàm, ráy tai cũ và các tế bào da chết liên tục di chuyển từ phía màng nhĩ tới lỗ tai ngoài. Chúng khô dần và rơi ra ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN