Làm gì khi trẻ bị sặc sữa?

Trường hợp trẻ 10 tháng tuổi ở Hà Nội tử vong do vừa bú bình vừa ngủ khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng. Nếu chẳng may con mình bị sặc sữa thì cần phải làm gì?

Ths. BS Hoàng Thị Minh Thu (nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, trẻ bị sặc nói chung (cụ thể sặc sữa) thường có dấu hiệu đặc trưng ban đầu gồm: Ho sặc sụa, ngừng ăn, nặng hơn thì có thể xuất hiện những cơn tím tái. Trong trường hợp có sữa trào ra mũi, miệng thì đó là những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ trẻ bị sặc. Nếu không được sơ cứu kịp thời trẻ có thể ngừng thở, ngừng tim dẫn đến tử vong chỉ trong chốc lát.

Làm gì khi trẻ bị sặc sữa? - 1

Một số thao tác sơ cứu trẻ sặc sữa

Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu ho sặc sụa, theo BS Thu, cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần phải ngay lập tức phải làm thông thoáng đường thở cho trẻ. Có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút hoặc không có thì dùng miệng của mẹ/người trông trẻ hút. Lưu ý cần hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sữa sẽ vào trong khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp trực tiếp vào mũi bé.

Tiếp sau đó, đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay. Dùng lòng bàn tay vỗ mạnh liên tiếp vào lưng trẻ, ở giữa hai xương bả vai. Sau đó, lật bé lại quan sát. Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh xuống nửa dưới của xương ức. Lặp lại đến 10 lần cho đến khi trẻ không còn dấu hiệu tím tái.

BS Thu cũng nhấn mạnh, sau khi sử dụng tất cả các phương pháp trên mà trẻ vẫn có biểu hiện ngưng thở, các bậc phụ huynh có thể kết áp dụng phương pháp thổi ngạt bằng cách ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau đó phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Để phòng ngừa tai nạn đáng tiếc này, BS Thu khuyến cáo, người mẹ khi cho con bú mẹ cần hết sức tỉnh táo. Tránh tình trạng cả mẹ cả con đều lơ mơ ngủ, không kiểm soát được tình trạng của trẻ.

“Phải cho trẻ bú đúng tư thế, bế trẻ ở tư thế đầu cao khi cho bú. Tốt nhất không nên cho trẻ bú nằm. Không cho trẻ bú khi đang ho hoặc khóc. Cần quan sát trẻ trong khi bú, tốt nhất là thấy được trẻ nuốt sau khi mút sữa. Trong trường hợp bà mẹ nhiều sữa cũng cần phải dùng tay kẹp đầu vú để ngăn tia sữa chảy quá nhiều khiến trẻ không kịp nuốt – là nguyên nhân gây sặc. Các bà mẹ cần lưu ý quan sát kỹ khi trẻ đang bú bỗng ngưng lại. Nếu có những dấu hiệu như đã kể trên thì cần phải khẩn trương sơ cứu kịp thời” – BS Thu nhấn mạnh.

Trong trường hợp trẻ bú bình thì lỗ thông đầu vú không nên đục quá rộng. Khi trẻ bú nên nghiêng bình sữa 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không mút phải nhiều không khí, dẫn đến nôn sau bữa ăn.

BS Thu cũng lưu ý nếu trong miệng trẻ còn sữa mà trẻ không còn muốn bú nữa thì bố mẹ/ người trông trẻ nên cho trẻ dừng. Tránh trường hợp ép con ăn khiến trẻ ngậm lại trong miệng rồi sặc lúc nào không hay. Sau khi cho trẻ bú xong cần bế trẻ nằm sấp mặt dựa vào vai hoặc ngực mẹ vỗ lưng nhẹ để trẻ ợ bớt hơi trong dạ dày, tránh đầy hơi sẽ kích thích gây sặc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Châu Anh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN