Làm gì để chống lại lây nhiễm kép cúm và COVID-19?
Cúm và COVID-19 có các triệu chứng tương tự nhau, bao gồm sốt, chảy nước mũi, đau họng, ho, đau nhức cơ thể, đau đầu và khó chịu...
Mối nguy khi mắc cả 2 virus
TS. Nadia Eltaki, Bệnh viện Sibley Memorial ở Washington, DC cho hay: Đầu tháng 9, chậm nhất là đầu tháng 10 là thời điểm tốt nhất để tiêm phòng cúm. Điều đó sẽ giúp cơ thể có được phản ứng miễn dịch thích hợp để đối phó với bệnh cúm trong cộng đồng. Các chuyên gia đang nỗ lực dùng nhiều biện pháp để kêu gọi đông đảo người dân đi tiêm vắc-xin cúm theo mùa, nhằm giảm nguy cơ dịch cúm phối hợp COVID-19, hiện đang áp đảo các hệ thống y tế địa phương hoặc khu vực ở Hoa Kỳ.
TS. Eltaki cho rằng, rủi ro mắc đồng thời cả hai bệnh ở một người là rất cao, có thể lên tới 200%. Theo TS. Eltaki, việc nhiễm một trong hai loại virus sẽ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể sẽ dễ mắc loại còn lại hơn. Một loại virus khi đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch sẽ có thể khiến bạn dễ bị nhiễm bất kỳ loại virus hoặc bệnh đường hô hấp nào khác. Khi đó, cơ thể sẽ ít có khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm ban đầu hoặc chống lại sự tấn công của virus theo từng đợt. Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo, một số người có thể bị nhiễm cả hai loại virus cùng một lúc. Và nếu điều này xảy ra, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho hay, cúm và COVID-19 có các triệu chứng tương tự nhau, bao gồm sốt, chảy nước mũi, đau họng, ho, đau nhức cơ thể, đau đầu và khó chịu. Triệu chứng chính duy nhất chỉ có ở COVID-19 chứ không phải cảm cúm là mất khứu giác và vị giác. Khi có bất kỳ triệu chứng nào hãy gọi cho bác sĩ, giải thích các triệu chứng và tự cách ly cho đến khi bạn biết chính xác mình mắc bệnh gì.
Tiêm phòng cúm trong thời điểm hiện tại để tránh mắc căn bệnh lây nhiễm song trùng.
Tầm quan trọng của tiêm phòng cúm
Theo các chuyên gia, việc tiêm phòng cúm năm nay là rất quan trọng. Nhiều báo cáo cho thấy, năm nay có sự sụt giảm trong việc tiêm chủng, khám sức khỏe và các hình thức thăm khám khác, bởi nhiều người lo sợ sẽ nhiễm COVID-19 nếu đi khám, tiêm phòng tại phòng khám.
Để ứng phó với các trường hợp này, các bác sĩ và phòng khám đã áp dụng một số biện pháp kiểm soát nhiễm trùng: Đưa ra bảng câu hỏi khám sàng lọc trước cuộc hẹn, yêu cầu bệnh nhân và nhân viên phải đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ khi đến khám và quy trình khử trùng nghiêm ngặt giữa các bệnh nhân...
TS. Eltaki cho hay, đến nay vẫn còn quan niệm sai lầm về tiêm phòng cúm. Nhiều người cho rằng sẽ bị cúm do tiêm phòng cúm. TS. Eltaki khẳng định: Không thể mắc bệnh cúm khi tiêm phòng cúm. Tuy nhiên, có thể gặp một số triệu chứng, đó là kết quả của việc cơ thể tăng cường phản ứng miễn dịch: Có thể bị sốt nhẹ hoặc đau nhức cơ thể, nhưng đó không phải là bệnh cúm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm phòng cúm làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 hoặc bất kỳ virus hô hấp nào khác. Cần tiêm phòng cúm hàng năm vì virus cúm biến đổi rất nhanh nên cơ thể người không thể tạo miễn dịch phòng ngừa lâu dài chống lại virus cúm. Vắc-xin ngừa cúm hàng năm sẽ giúp chống lại virus.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêm vắc-xin cúm ngăn ngừa được khoảng 60% khả năng mắc bệnh cúm. Nếu có mắc, tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh... ở người đã tiêm phòng sẽ ít hơn so với người không được tiêm phòng cúm. Các chuyên gia khuyến cáo, nên tiêm phòng cúm trong thời điểm hiện tại để tránh mắc căn bệnh lây nhiễm “song trùng” tiềm tàng là cúm và COVID-19. Trẻ trên 6 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người già và những người bị suy giảm hệ miễn dịch... nên tiêm phòng cúm.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thực hiện mới thực hiện một nghiên cứu tìm hiểu xem mối liên quan giữa việc đeo kính thường...