Lạm dụng thuốc nhỏ mũi coi chừng tai biến

Chính nghĩ rằng thuốc nhỏ mũi chỉ cho tác dụng tại chỗ mà có sự lạm dụng đưa đến bị tai biến không chỉ ở trẻ con mà còn ở người lớn.

Thuốc có 2 loại: loại cho tác dụng toàn thân như thuốc viên uống sẽ hấp thu vào máu để cho tác dụng và loại cho tác dụng tại chỗ hay còn gọi thuốc dùng ngoài không hấp thu vào máu. Thuốc nhỏ mũi được xem cho tác dụng tại chỗ vì khi nhỏ (hay xịt) thuốc vào hai lỗ mũi, dược chất không hoặc rất ít hấp thu vào máu để cho tác dụng toàn thân mà cho tác dụng tại chỗ trị rối loạn tại vùng mũi xoang.

Lạm dụng thuốc nhỏ mũi coi chừng tai biến - 1

Dùng thuốc nhỏ, xịt mũi cũng cần thận trọng

Cảm cúm, cảm lạnh thường do mầm bệnh là virút gây ra. Đây là rối loạn thường không nguy hiểm nhưng gây khó chịu vì làm cho sốt, nhức đầu, ho, đau nhức mình mẩy, đặc biệt gây sổ mũi, ngứa mũi, nhảy mũi, nước mũi chảy ra ràn rụa hoặc nghẹt mũi. Người bệnh hay thường dùng thuốc nhỏ mũi để cải thiện các rối loạn ở mũi vừa kể.

Thuốc nhỏ mũi đầu tiên cần phải kể và được cho là nên dùng ở mọi đối tượng kể cả trẻ con nhỏ tháng và phụ nữ có thai, đó là dung dịch natri clorid (NaCl) 0,9%, còn gọi là dung dịch “ nước muối sinh lý” dùng để nhỏ mũi và nhỏ cả mắt. Khi mới bị sổ mũi, nghẹt mũi hãy dùng dung dịch natri clorid 0,9% (hỏi mua tại nhà thuốc) để làm thông mũi, làm dễ hỉ mũi. Xin nhấn mạnh, trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi, phụ nữ có thai hoặc người lớn cần nhỏ mũi thường xuyên nên dùng dung dịch natri clorid 0,9% để nhỏ.

Loại thuốc nhỏ mũi phải dùng rất thận trọng chính là thuốc chứa dược chất có tác dụng làm co mạch, chống sung huyết tại niêm mạc mũi. Ta cần biết, bị sổ mũi, nghẹt mũi là do ở niêm mạc mũi bị rối loạn như bị dị ứng gây dãn mạch và tiết dịch và có hiện tượng sung huyết. Vì thế, khi dùng thuốc nhỏ mũi có chứa dược chất có tác dụng cường giao cảm thần kinh (hay trực giao cảm thần kinh) như naphazolin (biệt dược Nasoline, Rhinex 0,05 %), oxymetazolin, xylometazolin… làm cho co mạch và giảm sung huyết ở niêm mạc mũi, làm nước mũi hết chảy ràn rụa.

Lạm dụng thuốc nhỏ mũi coi chừng tai biến - 2

Lạm dụng thuốc nhỏ mũi gây co mạch và giảm sung huyết ở niêm mạc mũi, làm nước mũi hết chảy ràn rụa. (Ảnh minh họa)

Người bệnh được như thế rất thích, nhưng chính tác dụng cường giao cảm thần kinh của thuốc có thể gây nguy hại cho một số đối tượng. Đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi, tác dụng gây co mạch của thuốc không chỉ khu trú ở niêm mạc mũi mà gây co mạch toàn thân, co mạch ở cả tim, gan, thận… đưa đến tai biến gây tím tái, vã mồ hôi, choáng... phải được cấp cứu tại bệnh viện.

Vì vậy, đối với trẻ dưới 8 tuổi, tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất làm co mạch, chống sung huyết để nhỏ mũi. Cũng vì tác dụng cường giao cảm thần kinh gây co mạch mà các bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hay phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng, chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này khi được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng bừa bãi.

Đặc biệt, thuốc nhỏ mũi co mạch chống sung huyết dùng lâu dài có thể gây hiện tượng “ bật lại” (rebound) tức lúc đầu làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng sau đó gây ngẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi rất khó trị. Tức là, chính thuốc nhỏ mũi loại này gây ra một loại bệnh gọi là “ bệnh viêm mũi do thuốc” mà việc điều trị bệnh này rất khó khăn. Vì vậy, có khuyến cáo người lớn bình thường không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch, chống sung huyết quá 5 ngày.

Những trình bày ở trên cho thấy thuốc nhỏ mũi mặc dù cho tác dụng tại chỗ nhưng phải rất thận trọng. Không phải cứ nhỏ mũi bừa bãi là được. Thuốc nhỏ mũi tương đối vô hại là dung dịch NaCl 0,9%. Còn thuốc nhỏ mũi gây co mạch, chống sung huyết, tuyệt đối không dùng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi. Người lớn cũng dùng thuốc nhỏ mũi gây co mạch, chống sung huyết trong thời gian ngắn, không quá 5 ngày.

Nếu sổ mũi nghẹt mũi tiếp tục nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám và điều trị. Nên lưu ý, rối loạn về mũi không chỉ là triệu chứng của cảm cúm, cảm lạnh mà là khởi đầu của viêm mũi dị ứng, viêm xoang… rất cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị tốt ngay từ đầu để không bị bất lợi về sau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN