Kỳ tích sinh con sau khi chạy thận nhân tạo 7 năm
Sau 7 năm chạy thận nhân tạo, chị Yến đã mang bầu và sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Theo các chuyên gia, đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam sinh con khi đang chạy thận nhân chu kỳ.
Kỳ tích 40 năm mới có 1 lần
Chị Hoàng Ngọc Yến, 31 tuổi, quê ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang đang tạm trú ở Lĩnh Nam, Hà Nội là một bệnh nhân đầu tiên sinh con khi đang chạy thận nhân tạo. Chia sẻ với chúng tôi, giọt nước mắt lăn dài trên má chị. Nhớ lại cái ngày hạnh phúc ấy, chị không bao giờ quên.
Hơn một tháng trước, vào ngày 6/9/2015, chị Yến đã được mổ đẻ an toàn. Cháu bé sinh ra chỉ nặng 1,5 kg nhưng nhờ được chăm sóc chu đáo của các bác sĩ Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai nên đến nay cháu đã khỏe mạnh, phát triển như những trẻ sơ sinh khác. Vợ chồng chị yến đặt tên cho con trai là Xuân Bảo.
Chị Yến và con trai Xuân Bảo.
7 năm mong chờ, ngày được làm mẹ đã đến khiến người phụ nữ nhỏ bé ấy chỉ biết khóc vì hạnh phúc. Chị Yến lấy chồng cách đây 7 năm, lúc ấy chị mới 24 tuổi. Sau kết hôn, chị đã có thai. Niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi Yến bị cao huyết áp, mệt mỏi. Chị đi khám bệnh thì bác sĩ phát hiện suy thận khi thai 16 tuần tuổi, thai đã không giữ được và phải lọc máu.
Từ ngày bắt đầu gắn chặt đời mình với máy lọc máu, mỗi tuần 3 lần đều đặn, chị Yến nghĩ mình không còn hy vọng được làm mẹ nữa. Đến năm nay, chị Yến phát hiện có thai, vợ chồng và gia đình đôi bên không biết nên mừng hay nên lo bởi niềm vui song hành cùng nỗi lo. Người khỏe mạnh mang thai là điều bình thường nhưng với chị Yến một bệnh nhân nhiễm độc mãn tính, làm thế nào giữ được thai là điều cực kỳ khó khăn. Thậm chí có thể, không giữ được cả mạng sống của mình.
Chị Yến đã đến xin tư vấn của bác sĩ. Mong mỏi của chị Yến cũng là điều mà lâu nay các bác sĩ khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện luôn tìm hiểu từ các tài liệu của nước ngoài. Khi chị bày tỏ muốn giữ đứa con đến cùng, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn liên khoa từ khoa Thận Nhân tạo, khoa Nhi, Khoa Sản để có hướng điều trị và theo dõi sản khoa tốt nhất.
TS. Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng Khoa thận nhân tạo cho biết người bình thường có thai khó một thì bệnh nhân suy thận mạn tính, phải lọc máu chu kỳ giữ thai khó khăn hơn cả trăm lần. Lịch sử 40 năm hình thành và phát triển của Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai đến nay mới ghi nhận 05 bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai. Trong đó: 1 trường hợp thai lưu khi 7 tuần tuổi; 1 trường hợp phải đình chỉ thai nghén khi thai được 4 tuần tuổi; 1 trường hợp sảy thai lúc 14 tuần, 01 trường hợp có thai 19 tuần - phát hiện suy thận, lọc máu được 4 tuần thì sảy thai; 1 trường hợp có thai 30 tuần - suy thận, lọc máu 2 tuần, bệnh nhân đẻ thường.
Khó khăn không lùi bước
Các bác sĩ bắt đầu tiến hành theo dõi một ca bệnh vô cùng đặc biệt. Các bác sĩ liên khoa kết hợp cùng nhau. Bác sĩ Dũng cho biết một quy trình đặc biệt do một nhóm bác sĩ có kinh nghiệm trực tiếp xây dựng dành riêng cho bệnh nhân lọc máu chu kỳ mang thai sinh con. Bởi lẽ, với bệnh nhân suy thận, các độc tố trong máu cao hơn người bình thường, sự phát triển của thai nhi rất khó khăn. Bên cạnh đó, người mẹ phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc: thuốc huyết áp, thuốc chống đông…
Thai phụ lại không đi tiểu được nên dẫn đến tăng cân. Đây là cái khó đầu tiên mà các bác sĩ thận nhân tạo phải đối diện: Phải theo dõi sát sao chỉ số cân nặng của thai phụ vì nó liên quan đến việc rút nước trong buổi lọc. Chỉ cần 1 sai sót nhỏ có thể dẫn ảnh hưởng lớn đến thai nhi.
Cái khó thứ hai là: Nồng độ PH trong máu bệnh nhân cần phải duy trì rất ổn định, PH cao có thể kích hoạt sảy thai. Ở những bệnh nhân lọc máu chu kỳ có thai phải lọc theo một chế độ đặc biệt. Thông thường là 3 lần/tuần, khi có thai phải lọc 6 lần/tuần, từ 3 - 4 tiếng/lần.
Do thời gian lọc gấp đôi nên nồng độ PH rất cao. Vì vậy phải điều chỉnh nồng độ bicarbonat trong dịch lọc thấp hơn bình thường. Việc này không hề đơn giản...
Cái khó thứ ba là việc lựa chọn thuốc cho mẹ: chọn thuốc điều trị huyết áp cho mẹ thế nào để không ảnh hưởng đến thai nhi; Điều trị thiếu máu, điều trị tăng huyết áp, điều trị suy dinh dưỡng, điều trị rối loạn chuyển hoá can xi – phospho, dự phòng tiền sản giật, thúc đẩy sự phát triển của phổi thai nhi… Trăm việc, ngàn khó nhưng không bó nổi sự quyết tâm của thai phụ Ngọc Yến và những người thầy thuốc tận tâm.
Các bác sĩ khoa Thận nhân tạo phối hợp chặt chẽ với bác sĩ khoa Sản theo dõi từng ngày, điều chỉnh tăng cân, theo dõi huyết áp, tình trạng nước ối, siêu âm theo dõi sự phát triển của bánh rau, của thai nhi.
Nhớ lại quãng thời gian cùng với chị Yến mang phép màu đến, PGS. TS. Phạm Bá Nha, trưởng khoa Phụ - Sản đã trực tiếp theo dõi diễn biến trong quá trình thai nghén và điều trị cho Ngọc Yến, cho biết: Đối với các thai phụ suy thận, chạy thận chu kỳ, việc theo dõi tình trạng thai nghén là rất khó khăn do tình trạng toàn thân của người mẹ rất xấu, huyết áp cao, có nhiều biến loạn toàn thân nên ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng thai kỳ. Đặc biệt khi chạy thận thì những biến loạn này càng nhiều nên cần cân nhắc và điều chỉnh rất chính xác khi lọc thận và việc theo dõi, điều chỉnh về thai nghén cũng yêu cầu rất khắt khe.
Khi thai được 24 tuần, sản phụ Yến xuất hiện ra máu và được chẩn đoán là Polype cổ tử cung. Chị buộc phải nằm viện nội trú tại khoa Phụ - Sản và hàng ngày lọc thận tại khoa Thận Nhân tạo.
Các bác sĩ cố gắng giữ đến tuần thứ 31 thai kỳ, thai có biểu hiện suy nên các bác sĩ đã mổ bắt con. Cháu bé chỉ nặng 1,5 kg. Nhưng đến nay, cháu đã tăng được 2,1 kg có thể về nhà với gia đình.