Kinh hoàng đặc sản làm từ xác động vật thối rữa

Không ít trong số những động, thực vật đã bị thối rữa, đem tiêu huỷ chôn lấp nhưng vẫn được bới lên làm đặc sản quảng cáo, đánh lừa người tiêu dùng.

Trong khi các lực lượng chức năng không ngừng tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật, thực vật gây nguy hại tới sức khỏe người sử dụng thì hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều trường hợp cố tình tuồn nguồn hàng không đảm bảo chất lượng ra thị trường tiêu thụ. Nguy hại hơn, không ít trong số đó có nguồn gốc từ những động, thực vật đã bị thối rữa, đem tiêu huỷ chôn lấp nhưng vẫn được bới lên làm đặc sản quảng cáo, đánh lừa người tiêu dùng.

Vừa chôn lấp đã "bốc hơi"?

Trong vài ba năm trở lại đây, tình trạng buôn bán động vật hoang dã, động vật bị dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, đã và đang trực tiếp đe dọa tới sức khoẻ người tiêu dùng. Nghiêm trọng hơn, số hàng kém phẩm chất này sau khi bị bắt giữ, đem đi tiêu huỷ nhưng không hiểu vì lý do gì mà một số "đầu nậu" vẫn ngang nhiên thuê người vào đào bới, tìm, lấy lại hàng đưa ra ngoài thị trường tiêu thụ trước sự "bất lực" của các cơ quan chức năng?!

Kinh hoàng đặc sản làm từ xác động vật thối rữa - 1

Lực lượng chức năng thu giữ cá nóc.

Cụ thể, ngày 12/11/2013, tại bãi rác thuộc xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CSKT) công an tỉnh Quảng Ngãi phối hợp sở Tài chính, Chi cục khai thác - bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Công ty cổ phần điện và môi trường huyện Sơn Tịnh tiến hành tổ chức tiêu hủy xác 94 cá thể rùa biển (đây là số xác rùa quý hiếm do Võ Văn Quang, trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn mua lại của một số tàu thuyền ở cảng Sa Kỳ đang trên đường vận chuyển vào miền Nam tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ - PV).

Điều đáng bàn ở chỗ, mặc dù số hàng này đã được Hội đồng tiêu huỷ đào hố chôn toàn bộ, dùng xăng đốt và lấp kín hố, thế nhưng, khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi cũng là lúc xuất hiện một nhóm người ngồi trên xe đông lạnh quay lại, đào hố lấy số rùa đã chôn đưa lên ôtô đi đâu không rõ.

Anh Nguyễn Trung Thành, một người dân địa phương cho biết, hiện nay nhu cầu về các sản phẩm từ rùa rất lớn, nhiều người cho rằng loài này có tác dụng làm thuốc, tăng ham muốn tình dục và có thể làm đồ trang trí. Giới đại gia cho rằng rùa nhồi đặt dưới móng nhà sẽ mang lại may mắn, đeo các sản phẩm làm từ rùa giúp chữa bệnh huyết áp thấp. Riêng mai rùa hiện nay có giá trị cao, chiếc lớn giá 5 triệu đồng dùng để trang trí. Chính vì vậy, mà giới kinh doanh mặt hàng này bất chấp nguy hiểm, kể cả nguồn hàng đã bị tiêu huỷ nhưng họ vẫn cố tình thuê người khai quật, đào bới lên mang đi tiêu thụ.

Không chỉ rùa biển, cách đây không lâu, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 Quảng Ngãi tiến hành bắt giữ 7 tấn cá nóc tại cảng Mỹ Á, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ. Vài ngày sau, đội tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện thu giữ tiếp 4 tấn cá này tại cảng Sa Huỳnh trên cùng địa bàn huyện. Khi chính quyền địa phương, ngành chức năng đem số hàng trên đi tiêu huỷ, chôn lấp thì cũng ngay đêm đó nhiều người đã ngang nhiên đến khai quật lấy trộm toàn bộ mang đi tiêu thụ?!

Chẳng riêng gì hai mặt hàng rùa biển và cá nóc nói trên mà tình trạng này còn diễn ra ở rất nhiều tỉnh thành trên địa bàn cả nước như việc thu giữ, tiêu huỷ gia cầm nhập lậu tại tỉnh Lạng Sơn. Khi các lực lượng chức năng đem đi tiêu huỷ bằng cách chôn lấp, rắc vôi bột khử trùng... Trong quá trình thực hiện hàng chục người dân thi nhau vào tranh cướp gà, vịt đem về ăn hoặc mang đi bán lại kiếm lời. Thậm chí, có đợt lực lượng chức năng trên địa bàn đem chôn lấp hàng nghìn con gia cầm các loại lúc xẩm tối thì chưa đầy một giờ đồng hồ sau, đã có cả một đội quân xe tải tới đào bới, đem đi tiêu thụ.

Độc chồng độc

Anh Nguyễn Tô Hiệu, trú tại Ứng Hoà, Hà Nội cho biết, để phân biệt thực phẩm sạch phục vụ ăn uống hàng ngày sẽ rất khó khăn. Hiện tại có rất nhiều người hám lợi mà bất chấp thủ đoạn, họ cố tình mua những hàng hoá kém chất lượng, động vật bị hôi thối, bị đem tiêu huỷ, chôn lấp về hoà trộn với hàng loạt các loại hoá chất công nghiệp khác nhằm chế biến thành đặc sản để quáng cáo, bày bán cho khách hàng mà không mảy may quan tâm tới sức khoẻ của người sử dụng.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Thành Vinh, nguyên cán bộ bộ NN&PTNT cho biết, việc ngăn chặn hành vi khai thác, buôn bán động, thực vật hiếm, bị nghiêm cấm như rùa, cá nóc, gia cầm... sẽ vô cùng khó khăn do các đối tượng thường là chủ số động vật bị tiêu hủy nên liều lĩnh, manh động.

Ngoài ra, do nguồn lợi nhuận thu được từ những loại mặt hàng này khá lớn nên các đối tượng bất chấp tất cả. Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như cá nóc độc hại, sau khi được tiêu huỷ mà những đối tượng này bới lên, lấy lại rồi tẩu tán ra tiêu thụ ngoài thị trường.

"Việc nâng cao nhận thức, ngăn chặn tình trạng khai thác, mua xác rùa biển quý hiếm cũng như cá nóc độc hại, gia cầm nhập lậu... rất cần sự phối hợp, đồng loạt ra quân của các ban ngành, địa phương. Phải mạnh tay xử lý nghiêm hành vi trộm xác động vật thối, độc hại đã tiêu hủy để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân" - ông Vinh nhấn mạnh.

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, khi các cơ quan chức năng thực hiện tiêu huỷ những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là chuyện hết sức bình thường nhưng chuyện ngang nhiên đào hố, cướp lại hàng là điều không thể chấp nhận. Ở đây có đề cập tới chuyện cá nóc - mặt hàng rất nguy hiểm mà Nhà nước đã cấm đánh bắt, lưu hành buôn bán vì hiện nay chúng ta chưa có công nghệ để xử lý chất độc hại có trong cá nóc và thực tế đã chứng minh có rất nhiều người tử vong khi ăn phải loại cá này.

Về khía cạnh pháp luật, đây là những sản phẩm động vật bị cấm buôn bán, vận chuyển lưu thông, khi bị bắt giữ sẽ bị tiêu huỷ hàng hoá. Ngoài ra, tùy vào mức độ vi phạm mà các cơ quan sẽ có các biện pháp xử lý khác nhau. Riêng về việc đào hố, lấy lại hàng mang đi bán ra ngoài thị trường sẽ tạo ra những nguy cơ, mầm mống bệnh tật rất lớn, vì khi lưu hành trở lại cũng có nghĩa là nó sẽ truyền độc cho người khác. Với cá nóc là loại rất độc, ai ăn phải sẽ tử vong ngay.

Ngoài ra, khi các loại động vật bị chôn xuống đất, qua quá trình phân huỷ, thối rữa sẽ nhiễm độc tố vi sinh, lúc này mức độ độc sẽ tăng gấp đôi hay còn gọi là độc chồng độc. Chính vì vậy mà nó trái với pháp luật và trái với đạo đức con người, nên rất cần sự vào cuộc, xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng để ngăn ngừa những hành vi vi phạm có thể tiếp diễn.

Xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm

Luật sư Nguyễn Văn Nghi, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, khi đã có quyết định tiêu huỷ nhưng lại cố tình vi phạm, lấy lại hàng hoá bị tiêu huỷ mang đi bán kiếm lời sẽ là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì họ cố tình tái phạm, lấy nguồn hàng không đảm bảo chất lượng nhằm gây hại cho sức khoẻ cộng đồng. Ngoài ra, đây còn là một hành vi xâm phạm, vi phạm vật chứng của vụ án. Chính vì lẽ đó có thể dựa vào các tình tiết để xử lý vụ việc, thậm chí là xử lý về hình sự đối với hành vi vi phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi (Đời sống & pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN