Kinh hãi bệnh nhân bị giun bò lúc nhúc dưới da
Trung bình mỗi ngày tại Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn có 1 - 2 ca bệnh ký sinh trùng di chuyển dưới da. Ký sinh trùng này có thể vào cơ thể người có thể gây nguy hiểm nếu vào mạch máu.
Giun bò dưới lớp da bụng
Theo bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Trưởng khoa nghiên cứu lâm sàng và điều trị bệnh nhiệt đới (Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn): “Hội chứng ấu trùng di chuyển là vấn đề bệnh lý da mắc phải thường gặp ở vùng nhiệt đới, được mô tả cách nay 100 năm.
Khi mắc hội chứng này trên cơ thể người sẽ xuất hiện các đường vằn vèo, xoắn vặn, ban đỏ, ngứa, nổi mụn nước nếu có viêm dưới da”.
Giun bò dưới da bụng.
Riêng tại viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn, trung bình mỗi ngày có 1- 2 ca bệnh có ký sinh trùng di chuyển.
Bà T.H.S làm nghề trồng hành và tỏi, 53 tuổi đến khám với biểu hiện ban ngứa trên thành bụng phía trước đã 2 tuần nay.
Bệnh nhân có thói quen chăm sóc và cho chó ăn. Không có tiền sử sốt, ho, khó thở, hoặc vấn đề gì về bụng và bàng quang. Bà được điều trị bằng kháng sinh đường tiêm và thuốc kháng histamine, bệnh không thuyên giảm.
Khám da cho thấy có ban vằn vèo, màu hồng, nổi lên mặt da kỳ lạ, ban phát lên giống như hình con rắn uốn lượn với hình dạng móc, ròng rọc hoặc xoắn vặn, khoảng 35cm trên bụng bệnh nhân.
Bệnh nhân có cảm giác nóng, rát ở cuối vùng tổn thương. Bác sĩ xác định bệnh nhân đã nhiễm ấu trùng giun móc chó Ankylostoma caninum biểu hiện ban trườn.
Theo BS Quang, thể thông thường nhất của hội chứng này xảy ra khi ấu trùng của giun móc chó, mèo (Ankylostoma caninum và A. braziliense) tiếp giáp và xuyên da, qua lớp thượng bì.
Vị trí hay gặp nhất là bàn chân, mặc dù các vị trí khác như mông, lưng, đùi cũng có thể nhiễm và giun sán rất ưa ký sinh tại đó. Các vị trí giun bò xuất hiện thành trước bụng, niêm mạc miệng ở trẻ em.
Do thiếu các enzyme cần thiết để cho chúng xuyên qua và có thể sống sót ở sâu trong da, nên ấu trùng lang thang tạo một đường vằn vèo với tốc độ 3mm mỗi ngày. Thời gian ủ bệnh từ 1 - 6 ngày, tổn thương ban đầu có ngứa, ban đỏ, đường hầm vằn vèo dưới ban đỏ.
“Ban trườn là một bệnh da có thể tự giới hạn nhưng cũng gây nhiễm khuẩn thứ phát và tổn thương gây chàm hóa. Các tổn thương hoặc triệu chứng liên quan có thể khò khè, ho khan và nổi mày đay. Ấu trùng A. caninum có thể di chuyển đến ruột non và dẫn đến một bệnh lý khác gọi là viêm ruột tăng bạch cầu ái toan”, BS Quang nói.
Còn bệnh nhân N.T.H, 38 tuổi, sinh ra và lớn lên tại xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hiện đang sống tại Vũng Tàu bị sán lá gan bò dưới lớp da bụng.
Khi đến khám, trên cơ thẳng bụng bệnh nhân thấy xuất hiện một vệt đỏ, nổi gờ lên, chiều tối nổi lên nhiều hơn sáng và trưa, sau khi tắm vào lau mình xong lại thấy ngứa nhiều hơn lúc chưa tắm và vệt vằn vèo gồ lên rõ hơn. Sau khi tiếp nhận, khám và chẩn đoán sơ bộ, bác sĩ cho biết chị bị ký sinh trùng lạc chỗ.
Bác sĩ Quang cho biết: Ca bệnh này đặc biệt ở chỗ là ca bệnh nhiễm sán lá gan lớn Fasciola gigantica (chứ không phải giun móc cũng không phải giun tròn), hiếm được báo cáo trên y văn.
Bệnh nhân này bị nhiễm sán lá gan qua đường tiêu hóa. Thông thường, sán sẽ di chuyển từ ổ bụng, xâm nhập bao gan, gây áp xe nhưng trường hợp này lại di chuyển dưới lớp da.
Giun bò dưới da gan bàn chân.
Ca bệnh thứ 3 khá đặc biệt là ban trườn trên cánh tay do ấu trùng giun lươn Strongyloides stercoralis gây ra.
Bệnh nhân là T. H. Đ sinh viên y khoa 20 tuổi, trú tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có ngứa từng đợt đã 5 tháng nay, kèm theo ngứa có rối loạn tiêu hóa (đi phân lúc đặc, lỏng, sệt) diễn ra liên tục.
Bệnh nhân đau và khó chịu tại vùng thượng vị, khó tiêu và cảm giác khó chịu khoảng 2 giờ mỗi ngày và đặc biệt không đáp ứng với liệu pháp điều trị viêm đại tràng kích thích hoặc loét tiêu hóa.
Tại vị trí ngứa có các vết ngoằn ngoèo dài khoảng 6 - 8cm, các vệt này đỏ, phản ứng viêm 2 bên của vết chạy, duy nhất chỉ xuất hiện trên cánh và cẳng tay. Mỗi khi trời tối hoặc sau khi tắm vào thì bệnh nhân xuất hiện ngứa và vết nổi rõ hơn trên bề mặt da. Nhiều lần đi khám da liễu dùng các thuốc điều trị không đỡ.
Theo BS Quang, đây là ca bệnh khá đặc biệt vì hội chứng ban trườn như trên do giun lươn gây ra chứ không phải giun móc.
Với những loại ký sinh trùng này, mặc dù có thể chết trong thời gian 2 - 8 tuần, song có thể sống sót đến 2 năm. Nếu không điều trị, giun sẽ di chuyển sâu vào bộ phận quan trọng và gây ra những bệnh nguy hiểm khác.