Kiến ba khoang tấn công người

Gần 1 tháng nay, hàng trăm hộ dân tại khu tái định cư thuộc phường Hương Sơ, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế bị côn trùng tấn công gây đỏ, ngứa sau đó chảy mủ. Một số người và trẻ nhỏ bị sốt.

Đặc biệt vào mùa gặt, côn trùng xuất hiện nhiều hơn vào buổi tối. Sự việc này đã làm ảnh hưởng sức khỏe và cuộc sống người dân. Nhiều phương tiện thông tin đưa tin cho rằng đây là côn trùng lạ, khiến người dân hoang mang, lo sợ.
Trao đổi với chúng tôi, ThS.BS. Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Côn trùng - Ký sinh trùng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, loại côn trùng trên là kiến ba khoang, có nhiều ở Thừa Thiên Huế và các tỉnh khác trên toàn quốc, chúng xuất hiện nhiều ở cánh đồng lúa, xuất hiện ở những nơi mất vệ sinh và có ánh điện. Loại kiến này có độc tố rất mạnh.

Kiến ba khoang tấn công người - 1

Kiến ba khoang.

Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12 - 15 lần nọc rắn hổ mang. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. Pederin có tính xuyên thấm qua da và là độc chất tự nhiên có hiệu lực như chất chống ung thư và virut. Trên con vật kiến ba khoang, pederin là chất để phòng vệ chống lại động vật ăn chúng như nhện. Pederin không được tạo ra từ bản thân mà do vi khuẩn nội cộng sinh trong chúng là Pseudomonas aeruginosa.

Vị trí viêm da là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông, lưng. Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 - 36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét, khi đó những sang thương này sẽ có hình dạng là đường thẳng dài, hay hình chữ Y, hình tròn, đa giác tùy theo cách ta giết chúng. Viêm da có thể dạng giống như sang thương của bệnh zona do nhiễm herpes zoster, đôi khi còn gống như eczema hepeticum với sang thương viêm da bóng nước đã khô. Nếu pederin dính vào mắt sẽ gây viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.

Trước tình trạng trên, PGS.TS. Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị: Trung  tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Côn trùng - Ký sinh trùng, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm y tế TP. Huế đến khu tái định cư thuộc phường Hương Sơ khám, cấp thuốc miễn phí, đồng thời phun hóa chất diệt kiến bảo tồn trong vòng 7 ngày.

Kiến ba khoang tấn công người - 2

Vết côn trùng cắn trên người (ảnh do Trung tâm CT-KST Thừa Thiên Huế cung cấp).

Theo PGS.TS. Nguyễn Dung, điều trị vết thương do kiến côn trùng gây ra rất đơn giản. Có thể rửa bằng thuốc tím (KMnO4). Khi vết thương bị loét thì cần đắp gạc vô khuẩn ướt, mát, thoa thêm calamine lotion hay corticosteroids. Kháng sinh có thể cần nếu có bội nhiễm bóng nước trên da. Tình trạng viêm da sẽ lành trong 2 – 3 tuần.

Để phòng tránh kiến ba khoang tấn công, người dân tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng. Nếu bị cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng, sau đó bôi thuốc tím và đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu. Không nên  gãi, vì càng gãi, vết thương càng lan rộng.

Nhờ sự can thiệp tích cực từ phía ngành y tế địa phương, đến sáng ngày 12/9, hiện tượng kiến ba khoang tràn vào tấn công nhà dân ở TP. Huế đã được ngăn ngừa. Những người bị trúng độc của kiến nhờ sử dụng đúng thuốc nên sức khỏe đã ổn định. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hùng (Sức khỏe đời sống)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN