Kiến ba khoang gây bệnh “giời leo”

BS Nguyễn Tiến Lâm (BV Nhiệt đới TƯ) nhận định: “Thủ phạm gây lở loét chính là virus “giời leo” và kiến ba khoang là vật trung gian truyền vi rút”.

Ngứa, rát và bội nhiễm

Kiến ba khoang “bùng phát” tại Thừa Thiên Huế và liên tục nhiều tỉnh khác cũng bị “giặc kiến” quấy rối. Nhiều ngày gần đây, nhiều khu dân cư tại Hà Nội cũng chịu chung cảnh ngộ.

Kiến ba khoang gây bệnh “giời leo” - 1

Thủ phạm gây lở loét chính là vi rút “giời leo” và kiến ba khoang là vật trung gian truyền vi rút.

Anh Lê Ngọc (Chung cư Mỹ Đình) cho biết, chỉ sau một giấc ngủ, mặt anh đau rát, ngứa ngáy, mắt sưng húp. Sau đó vài ngày, các vết rát tạo thành các đường rộp mụn nước, có mủ trắng, mắt không mở được. Bác sĩ khám cho biết, anh bị bệnh zona. Nhưng khi nghe đài báo nói về kiến ba khoang, người nhà anh mới để ý thì thấy trong nhà có nhiều con kiến ba khoang, nhất là buổi tối khi đèn sáng, kiến bay vào nhà rất nhiều. Con của anh cũng bị các vết rộp ở cổ và tay.

Nhiều người dân phản ánh nếu bị kiến ba khoang đậu lên người, chưa hiểu có đốt hay không thì đã bị ngứa rát, đặc biệt, nếu di kiến chết ngay trên da thì vùng da đó bị phồng rộp lên, đau và khó chịu.

TS Phạm Thị Khoa, Khoa Hóa thực nghiệm (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng T.Ư) cho biết, một số người dân đã mang “thủ phạm” gây ngứa đến Viện để xét nghiệm. Đó là con kiến ba khoang, thuộc bọ cánh cứng, đầu đen, ngực có màu vàng cam hoặc đỏ, cánh cụt.

Loài kiến này đã có từ lâu, chủ yếu sống ở ruộng lúa, vườn cây… Vì thế, những người dân ở khu vực ngoại thành, gần cánh đồng thường bị “tấn công” nhiều hơn. Ngoài ra, loài kiến này thích ánh sáng xanh, nên ánh đèn buổi tối rất thu hút chúng.

Kiến chỉ là vật trung gian

Tuy nhiên, TS Khoa nhấn mạnh rằng: “Nói kiến ba khoang đốt là không hòan tòan chính xác. Các vết sưng, phồng rộp có thể do một số vi khuẩn cộng sinh sống trên kiến, tiết ra chất gây kích ứng với da”.

Còn BS Nguyễn Tiến Lâm cho biết, kiến ba khoang không đốt người nên không gây nhiễm độc da. “Nếu nó đốt thì chất độc phải ngấm vào máu và sinh ra các bội nhiễm khác, không chỉ dưới da”, ông Lâm cho biết.

Những tổn thương cơ bản mà người dân đang gặp phải khi kiến ba khoang bâu lên người về cơ bản giống như bệnh Zona. “Tôi có thể khẳng định rằng, kiến ba khoang chỉ là vật trung gian, mang vi rút Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra bệnh Zona (dân gian gọi là giời leo)”. Vì thế, chỉ cần kiến đậu lên người hoặc giết kiến di trên da đến đâu thì người dân bị nhiễm VZV đến đó.

Khi bị mắc VZV, bệnh nhân thường đau rát một vùng da, có thể giật nhoi nhói từng cơn ở vùng da này, sau đó vài ngày vùng da này sẽ nổi mụn nước, tập trung từng chùm. VZV có thể phát triển hoặc chỉ cố định một mảng, nhưng nếu người bệnh gãi khiến cho nước ở các vết rộp lây lan sang vùng da khác thì bệnh sẽ lan rộng hơn. Nếu Zona mọc trong mắt thì mới gây ra tổn thương giác mạc khiến người bệnh mù tạm thời, thậm chí mù vĩnh viễn nếu có sẹo giác mạc lớn.

Bác sĩ Lâm cho rằng, có nhiều loại côn trùng mang VZV chứ không chỉ là kiến ba khoang. Còn theo TS Khoa, việc kiến ba khoang bỗng xuất hiện dày đặc có thể do kiến đã ăn rầy nâu kháng thuốc. “Biến đổi khí hậu, việc sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ tràn lan khiến cho côn trùng đang biến đổi”, bà nói.

Để đề phòng kiến ba khoang và các loại côn trùng, tiến sĩ Khoa cho biết nên dùng lưới chống muỗi, đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương, buổi tối nên tắt bớt đèn. Nếu thấy kiến ba khoang đậu trên người thì nên thổi nhẹ đuổi chúng đi thay vì giết chúng ngay trên người.

“Sau khi bị kiến ba khoang nói riêng hoặc côn trùng khác nói chung đậu lên người, da có hiện tượng rát nóng, ngứa, sưng rộp thì không nên gãi, tự ý bôi thuốc, tự chữa bằng đắp gạo nếp, đỗ xanh lên người khiến cho vết thương bị bội nhiễm. Nếu chỉ là vết rộp nhỏ thì có thể tự khỏi, tuy nhiên nếu vết rộp lớn, sưng, phù nề thì nên đến khám bác sĩ da liễu để được điều trị”, BS Nguyễn Tiến Lâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN