Kiểm tra an toàn thực phẩm: "Sờ đâu chết đó!"

Ví von về việc thực phẩm dơ bị bắt giữ tại Hà Nội, phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho hay có tình trạng “bắt là dính” với một số mặt hàng như nước giải khát, bánh kẹo, rượu..

Ngay từ đầu tháng 1, các kho của quản lý thị trường Hà Nội đã chật ních với nhiều loại thực phẩm nhập lậu hết hạn sử dụng nhưng chưa tiêu hủy, thực phẩm chứa chất cấm, rượu giả, nước ngọt chứa đường hóa học bị cấm...

Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm trên cả nước bắt đầu từ ngày 8-1, nhưng thực tế các đoàn thanh tra liên ngành đã hoạt động từ 20 ngày trước đó. Và trong ngày 31-1, nhiều địa phương đã tiếp tục câu chuyện “bắt là dính”.

TP.HCM: phát hiện trứng vịt bắc thảo ngâm chất tẩy rửa

Ngày 31-1, đội quản lý thị trường 4A - Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp phòng 6 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra cơ sở sản xuất trứng vịt bắc thảo tại xã Bình Hưng, H.Bình Chánh (TP.HCM). Cơ quan chức năng tạm giữ khoảng 6.000 quả trứng vịt bắc thảo thành phẩm nghi vấn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đem đi xét nghiệm. Riêng lượng trứng vịt đang được ngâm dung dịch trước khi đưa ra thị trường ước tính hơn 200.000 quả. Cơ quan chức năng niêm phong và giao cho đơn vị sản xuất tự bảo quản.
 
Theo bản tự công bố chất lượng sản phẩm, trứng vịt bắc thảo của cơ sở này được chế biến từ trứng vịt bằng phương pháp ngâm tẩm với các loại thảo dược như cam thảo, thuốc bắc, muối, vôi. Tuy nhiên, tại hai điểm sản xuất của cơ sở nồng nặc mùi hóa chất bốc ra từ khoảng 40 thùng nhựa loại lớn đang ngâm hàng trăm ngàn quả trứng vịt.

Kiểm tra an toàn thực phẩm: "Sờ đâu chết đó!" - 1

Kiểm tra hàng hóa thực phẩm tết

Cơ quan chức năng phát hiện hơn 20 bao hóa chất loại 25kg/bao (chất NaOH - còn gọi là xút) chuyên dùng trong công nghiệp giấy, nhuộm, chất tẩy rửa không rõ xuất xứ, không nhãn phụ tiếng Việt. Đại diện cơ sở sản xuất này thừa nhận có sử dụng loại hóa chất này trong việc ngâm tẩm để chế biến trứng vịt bắc thảo.

Được biết, trứng vịt bắc thảo là món ăn khá phổ biến đối với người dân trong dịp tết. Thông thường trứng vịt bắc thảo được sản xuất bằng cách ủ trứng vịt trong một hỗn hợp từ đất sét, tro, trà, muối, vôi, trấu... trong 2-3 tháng, sau đó có thể sử dụng ngay. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất này sử dụng “phương pháp mới” là ngâm trong dung dịch có hóa chất tẩy rửa. Theo thông tin từ phía đoàn kiểm tra, trước khi tiến hành kiểm tra đơn vị sản xuất, cơ quan chức năng đã phát hiện một số mẫu trứng vịt bắc thảo sản xuất theo phương pháp ngâm dung dịch bày bán trên thị trường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cần Thơ: nghi vấn mực khô xé kém chất lượng
 
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Sanh, chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, cho biết lực lượng quản lý thị trường TP đang có nghi vấn về một số loại mực khô xé, tẩm ướp được bày bán nhiều ở các tuyến đường như Ngô Đức Kế (quận Ninh Kiều) và các chợ là mực khô giả, không đảm bảo chất lượng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Ngày 31-1, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra tại cơ sở kinh doanh thực phẩm Diệu Mỹ Huy (quận Ninh Kiều), phát hiện nhiều bọc mực khô xé sợi, một số được đóng hộp để bán, tất cả đều không có nhãn mác hoặc giấy tờ ghi xuất xứ, hạn sử dụng thực phẩm... Chủ cơ sở cho biết mua loại mực này từ khu vực Chợ Lớn (TP.HCM) về để bán lẻ và chỉ có giấy mua bán tay, không hóa đơn chứng từ, số lượng mua về là 20kg với giá 210.000 đồng/kg và mới tiêu thụ được vài ký.
 
Toàn bộ số mực xé thành từng sợi nhỏ, có sợi dài hơn gang tay màu trắng hồng. Do nghi vấn mực bất thường nên lực lượng quản lý thị trường đã đốt thử một vài sợi khô, mực bốc mùi khét khó chịu, không giống như mùi mực nướng thông thường.
 
Bình Dương: nước mắm kém chất lượng

Cùng ngày, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã kiểm tra cơ sở sản xuất nước mắm đóng chai của Công ty TNHH Hòn Mê (khu phố Bình Đáng, P.Bình Hòa, thị xã Thuận An) và phát hiện hàng ngàn chai nước mắm không đảm bảo chất lượng.
 
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các chai nước mắm nói trên mang nhiều nhãn hiệu đã được đăng ký của Phan Thiết (Bình Thuận), Thanh Hóa...nhưng chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp. Mặt khác, dây chuyền đóng chai nước mắm được đặt ngay khu vực nhà vệ sinh, các nguyên liệu sản xuất nước mắm như hóa chất, nước...không rõ nguồn gốc, chất lượng nên không đảm bảo vệ sinh. Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương đã niêm phong hàng ngàn chai nước mắm (chưa kiểm đếm chính xác số lượng), các vật liệu sản xuất và lấy mẫu để tiếp tục làm rõ nguồn gốc, chất lượng của nước mắm được sản xuất tại cơ sở này.

* Sáng 31-1, Phòng cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra, phát hiện xưởng sản xuất giò chả của bà Nguyễn Thị Thu Nga (36 tuổi, trú tại khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh, TP Vinh) có 3 tấn giò thành phẩm và thịt đông lạnh đang bốc mùi hôi thối, cùng các chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ. PC49 đã lập biên bản thu giữ 3 tấn giò thành phẩm và thịt đông lạnh bốc mùi hôi thối cùng các chất phụ gia trên.

Không để gia cầm nhập lậu vào VN
 
Ngày 30-1 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và kết quả một tháng triển khai đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.

Sau một tháng triển khai, lực lượng chức năng của 19 tỉnh, thành phố đã phát hiện, tiêu hủy 60,3 tấn gà và hơn 220.000 con gà giống Trung Quốc. Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã thực hiện một chuyên án về đường dây chuyên kinh doanh chân gà và mề gà đông lạnh lên tới gần 18 tấn hàng thực phẩm bẩn, đang chuyển cho cảnh sát điều tra Công an TP Móng Cái, Quảng Ninh khởi tố vụ án.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý thời điểm giáp tết, các địa phương, lực lượng chức năng càng cần phải đề cao, không thể lơ là và kiên quyết không để gia cầm nhập lậu vào VN.

TTXVN

Công khai thực phẩm chưa đạt tiêu chuẩn
 
Với tám đoàn thanh tra liên ngành tại 24 địa phương, chưa kể bốn đoàn thanh tra riêng của Bộ Công thương làm việc trong tháng cao điểm, theo báo cáo nhanh gần đây, các đoàn liên ngành đã phát hiện nhiều lô thịt gia súc gia cầm, bánh kẹo, rượu, nước ngọt, mứt... không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên ngày 29-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có văn bản nhắc nhở các địa phương tiếp tục duy trì thanh tra, công khai sản phẩm dơ và các loại thực phẩm đạt tiêu chuẩn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng lựa chọn. Đợt thanh tra tháng cao điểm sẽ kéo dài tới ngày 15-2, tức sau Tết Nguyên đán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuổi trẻ
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN