Không khí bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Theo thông tin được đăng tải trên website Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam vào chiều 26/4, chỉ số quan trắc chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội, đo tại thời điểm 16h ngày 26/4 cho thấy, đang là 143 AQI - không lành mạnh cho các nhóm nhạy cảm nếu ở mức này trong 24 giờ theo chương trình quan trắc chất lượng không khí của Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Không khí bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? - 1

Người dân khi ra đường nên bịt khẩu trang, đeo kính, mặc quần áo dài tay để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Chí Cường

Không khí không lành mạnh?

Theo đó, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã lắp đặt một thiết bị quan trắc chất lượng không khí để đo các phần tử trong không khí kích cỡ 2,5 PM (một chỉ số về chất lượng không khí) tại tòa nhà Đại sứ quán (số 7 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội). Đại sứ quán Hoa Kỳ đang trong giai đoạn đầu phát triển chương trình Quan trắc Chất lượng Không khí này. Trong giai đoạn này, Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ chỉ có thể cung cấp số liệu trung bình 24 giờ của chỉ số chất lượng không khí (AQI), cũng như thông báo nhanh hàng ngày về AQI lúc 7h sáng và đưa số liệu lên mạng trong giờ làm việc thông thường của Đại sứ quán.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng, việc phân tích số liệu trên toàn thành phố không thể được thực hiện dựa trên số liệu từ một thiết bị quan trắc duy nhất. Số liệu này cung cấp về chỉ số chất lượng không khí chính xác tại khu vực gần Đại sứ quán.

Trên trang aqicn.org, chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội đo vào thời điểm 15h chiều 26/4 ở mức 143 AQI (trong ngưỡng 101 - 150 AQI) cho thấy, những người thuộc nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng về sức khỏe. Công chúng nói chung có thể không bị ảnh hưởng). Tại TPHCM là 46 AQI, còn tại Đà Nẵng là 26 AQI - tức là chất lượng không khí được cho là thỏa đáng, ô nhiễm không khí đem lại rất ít hoặc không có rủi ro nào.

Đáng nói, chỉ số này ở Hà Nội sắp tiệm cận với Bắc Kinh (Trung Quốc) - một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm môi trường nhất trong khu vực châu Á. Thậm chí, chỉ số của Hà Nội còn cao hơn cả Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) – thành phố có mức độ ô nhiễm nhất thế giới (theo Tổ chức Y tế Thế giới năm 2015). Lúc 14h ngày 26/4, AQI tại New Delhi là 109. Tại Bắc Kinh, chỉ số AQI đo tại thời điểm 17h ngày 26/4 là 167, tương đương với việc mọi người dân nơi đây bắt đầu bị tác động về sức khỏe; những người thuộc nhóm nhạy cảm có thể gặp phải những tác động sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Phòng tránh bằng cách nào?

Chiều 26/4, BS Nguyễn Duy Thuỵ - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, trong vài năm gần đây, số lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng đã khiến cho mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn tại Việt Nam ngày càng tăng. Nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường. Điều đáng nói là nhiều phương tiện cũ nát, quá hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, không chỉ đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của các đô thị, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Bởi vì quá trình cháy của động cơ thực tế sinh ra các chất độc nguy hiểm như: CO, CO2, SO2, bụi hữu cơ…

Cụ thể, SO2 là chất khí gây kích thích đường hô hấp mạnh. Khi hít thở phải khí SO2, tùy mức độ sẽ ảnh hưởng tới chức năng của phổi, gây viêm phổi, viêm phế quản mãn tính, gây bệnh tim mạch, tăng mẫn cảm ở những người mắc bệnh hen… Còn nhiễm CO sẽ ảnh hưởng đến nhiều hệ thống như: Hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp gây đau đầu, chóng mặt, khó thở, rối loạn cảm giác... đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Còn tiếp xúc với NO2 sẽ làm tổn thương niêm mạc phổi, tăng nguy cơ nhiễm trùng, mắc các bệnh hô hấp, tổn thương chức năng phổi, mắt, mũi, họng…

Chính vì vậy, theo BS Nguyễn Duy Thụy, để bảo vệ sức khỏe, khi ra đường, người dân nên bịt khẩu trang, đeo kính, mặc quần áo dài tay. Khi về nhà cần phải vệ sinh khẩu trang hàng ngày, vệ sinh mắt, tai, mũi, họng bằng nước muối sinh lý, đặc biệt, khi da bị trầy xước cần tránh tiếp xúc với khói bụi vì sẽ dễ bị nhiễm bụi, nhiễm độc hơn.

AQI là chỉ số đo lường chất lượng không khí hàng ngày. Chỉ số này nhằm mục đích tạo mối liên hệ giữa chất lượng môi trường không khí và các tác động tới vấn đề sức khỏe, được chia thành 6 mức độ. Mỗi cấp độ thể hiện mức ảnh hưởng tới sức khỏe khác nhau.

Liên quan đến thông tin ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội, ngày 26/4, trả lời báo chí, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, thông tin phát hiện có thủy ngân độc hại bay lơ lửng trong không khí Hà Nội gây nguy hại cho con người là không đúng, gây hoang mang dư luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Nguyên (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN