Không có tinh trùng trong tinh dịch, cần phải làm gì?

Không có tinh trùng trong tinh dịch chiếm 30% các trường hợp vô sinh ở nam giới. Nếu được điều trị đúng, cơ hội làm cha của nhiều nam giới vẫn là có thể…

Không có tinh trùng có 2 nguyên nhân: Tinh hoàn không sản xuất ra tinh trùng; Tinh hoàn vẫn sản xuất ra tinh trùng nhưng ống dẫn tinh trùng bị tắc.

Ống dẫn tinh trùng bị tắc

Nếu tinh trùng không đi qua được ống dẫn tinh, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nối thông lại ống dẫn tinh, tức là nối hai đầu ống dẫn tinh lại với nhau hoặc nối ống dẫn tinh vào mào tinh. Khi ống dẫn tinh thông suốt, hy vọng có con của các cặp vợ chồng là rất cao.

Với những người đã triệt sản, sau này muốn có con thì phẫu thuật nối lại hai đầu ống dẫn tinh (giúp tinh trùng có lại trong tinh dịch) có thể thành công với trên 90% trường hợp. Điểm cần lưu ý là thời gian cột ống dẫn tinh càng lâu thì khả năng nối thành công càng kém. Vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh với mào tinh cho tỷ lệ thành công cũng lên tới 70-90%. Sau mổ, khoảng 30-60% cặp vợ chồng có thể có thai tự nhiên. Các phẫu thuật này đã được thực hiện trên thế giới từ năm 1968 đối với vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh và năm 1978 với vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh với mào tinh.

Trong trường hợp ống dẫn tinh bị tắc sâu tại chỗ đổ vào niệu đạo dương vật thì phẫu thuật cắt đốt nội soi ống phóng tinh có thể giúp ống dẫn tinh thông thương trở lại. Sau mổ, 60% bệnh nhân có tinh trùng trở lại.

Không có tinh trùng trong tinh dịch, cần phải làm gì? - 1

Tiêm phòng quai bị cho bé  để tránh biến chứng vô sinh. (Ảnh minh họa)

Phẫu thuật nối có thể thất bại (tuy rất ít) nhưng có thể nối lại. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của lần nối sau (70%) ít hơn lần nối trước (90%).

Nếu phẫu thuật nối thất bại hoặc do không thể nối được vì ống dẫn tinh tắc nhiều chỗ, tắc đoạn nằm sâu trong bụng thì bệnh nhân có thể có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Những người không có ống dẫn tinh bẩm sinh (nên không thể thực hiện phẫu thuật nối) cũng phải áp dụng biện pháp này nếu muốn có con. Điểm đặc biệt của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm trên những người này là tinh trùng được hút ra từ trong mào tinh hay trong tinh hoàn bằng các kỹ thuật có tên là PESA (hút tinh trùng mào tinh) hay TESE (mổ trích tinh trùng tinh hoàn). Ngay sau khi được hút ra, tinh trùng này được đem chích thẳng vào trứng để làm trứng thụ tinh. 2-4 ngày sau, trứng đã thụ tinh sẽ thành phôi. Đôi khi tinh trùng hút ra được trữ đông, tới ngày hút trứng của mẹ thì tinh trùng sẽ được rã đông để tiêm vào trứng. Các bác sĩ sẽ chọn những phôi tốt đem bơm nhẹ vào trong lòng tử cung để phôi phát triển thành thai. Thụ tinh trong ống nghiệm theo kiểu ICSI (tiêm tinh trùng vào trứng) với tinh trùng hút từ tinh hoàn hay mào tinh đã được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới năm 1994 và tại Việt Nam vào năm 2002.

Tinh hoàn không tạo ra tinh trùng

Nếu tinh hoàn không tạo ra tinh trùng nữa thì y học vẫn có khả năng chữa được. Trong trường hợp mô tinh hoàn không sinh tinh do hậu quả của bệnh giãn tĩnh mạch tinh nặng và kéo dài thì phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn có thể giúp tinh hoàn hồi phục lại (đạt tỷ lệ khoảng 20-50%), thậm chí bệnh nhân có thể có con tự nhiên mà không cần thụ tinh trong ống nghiệm. Cách điều  trị này đã được ứng dụng tại Việt Nam từ năm 2005 với kỹ thuật vi phẫu cột tĩnh mạch tinh giãn hai bên ngả bẹn-bìu.

Các trường hợp khác, dù qua sinh thiết tinh hoàn ghi nhận mô tinh hoàn không sinh tinh nữa nhưng nếu tinh hoàn còn quá trình sinh tinh nửa chừng hay thuộc hội chứng toàn tế bào Sertoli hay thậm chí mô tinh hoàn xơ teo hết như trong trường hợp quai bị thì microTESE (vi phẫu tích mô tinh hoàn trích tinh trùng) vẫn có thể giúp tìm một vài tinh trùng còn sót bên trong. MicroTESE được thực hiện dựa trên phát hiện mới là mô tinh hoàn dù hư hầu hết nhưng thường vẫn còn vài điểm có tế bào sinh tinh và tinh trùng. Năm 1998, microTESE đã được thực hiện thành công bên Mỹ và tới năm 2010 thì microTESE đã được áp dụng thành công tại Việt Nam, mở ra một chân trời mới cho nhiều gia đình hiếm muộn.

Có dùng thuốc điều trị được không?

Không có thuốc chữa được vô sinh do không có tinh trùng, chỉ trừ một trường hợp hiếm là bệnh suy tuyến tinh trùng do giảm tiết nội tiết tố hướng sinh dục (hypogonadotropic hypogonadism). Người mắc bệnh này thường thấp bé, bộ phận sinh dục như của trẻ con... Những trường hợp này, dương vật vẫn có thể cương được, giao hợp được nhưng có con thì không. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bệnh nhân chích các nội tiết tố phức tạp, đắt tiền (FSH và hCG) để kích thích tinh hoàn và cả dương vật cũng như toàn bộ cơ thể phát triển. Sau 6-12 tháng, bệnh nhân có thể có con tự nhiên.

Phòng tránh vô sinh do không có tinh trùng

Nên cho các bé trai đi tiêm phòng quai bị (vì quai bị có thể làm teo cả hai tinh hoàn), chủng ngừa lao và tránh bệnh viêm niệu đạo (vì tinh trùng lao và các vi khuẩn khác như lậu, Chlamydia có thể làm tắc hai ống dẫn tinh).

Y học ngày nay đã chữa được rất nhiều trường hợp vô sinh do chồng không có tinh trùng trong tinh dịch. Trong lĩnh vực này, y học Việt Nam cũng tự hào vì đã có những bước tiến đồng hành cùng bạn bè trong khu vực và thế giới.

Vô sinh hiếm muộn ở nữ ngày càng tăng vì những nguyên nhân này

Theo các bác sĩ, các trường hợp vô sinh nữ do u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung và các bất thường khác ở tử cung, buồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS.BS. Nguyễn Thành Như ([Tên nguồn])
Sức khỏe tình dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN