Không có tinh trùng do biến chứng quai bị vẫn có con “chính chủ” sau 6 năm
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa chia sẻ về trường hợp người chồng không có tinh trùng do biến chứng quai bị nhưng vẫn có thể có con.
Đó là vợ chồng anh Chu Văn Hải (1993) và chị Nguyễn Thị Thơm (1995), quê Quảng Ninh.
Vợ chồng anh Hải kết hôn năm 2016, chỉ sau 1 năm, anh chị không khỏi hụt hẫng, buồn chán trước thông tin anh Hải bị vô sinh nam do teo tinh hoàn, không có tinh trùng bởi biến chứng quai bị năm 17 tuổi. Thông tin không có tinh trùng như “sét đánh ngang tai” với hai vợ chồng vì khi đó đơn vị y tế dưới địa phương chưa thực hiện được phương pháp mổ tìm tinh trùng (MicroTESE), cơ hội tìm con với vợ chồng anh Hải tưởng chừng như phải dừng lại.
BS Việt tư vấn cho bệnh nhân.
Những ngày tháng sau, vợ chồng anh Hải lên khắp các diễn đàn, trang thông tin tìm kiếm phương pháp phẫu thuật tìm tinh trùng với niềm khát khao được làm cha mẹ. Đến năm 2021, tình cờ biết đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, hai vợ chồng quyết định lên Hà Nội để bắt đầu hành trình “tìm con”.
Khi đến bệnh viện, với trường hợp của anh Hải, không có tinh trùng trong tinh dịch, bác sĩ chỉ định làm phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro TESE) kết hợp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để tìm con.
Theo ThS.BS Đinh Hữu Việt (Trưởng khoa Nam học - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội), người trực tiếp thăm khám cho vợ chồng anh Hải – chị Thơm, hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh ở nam giới. Trong đó, một nguyên nhân chính là bệnh quai bị, gây ra tình trạng viêm và teo tinh hoàn, dẫn đến không có tinh trùng. Nguyên nhân này xảy ra ở khoảng 10-15% những cặp đôi không có tinh trùng tới khám tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Việt, biến chứng sau quai bị là một trong những nguyên nhân phổ biến của tình trạng vô tinh không do tắc nghẽn, gây ra teo tinh hoàn, suy tinh hoàn không có tinh trùng… Từ đó, tinh hoàn sinh tinh kém hoặc thậm chí không sinh tinh dẫn đến xuất tinh không có tinh trùng.
Em bé đầu lòng của vợ chồng chị Thơm nay đã được 9 tháng tuổi.
Để có con, bệnh nhân cần được can thiệp sâu vào tinh hoàn để tìm tinh trùng và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với trứng của người vợ.
Hành trình tìm con của vợ chồng bắt đầu từ đây, lần đó anh Hải được chính tay bác sĩ Việt mổ tìm tinh trùng.
Nhớ lại lần phẫu thuật đầu tiên, anh Hải chia sẻ:“Lúc mới vào phòng mổ mình rất run. Nhưng sau đó, trong lúc phẫu thuật, bác sĩ Việt vừa mổ vừa trò chuyện, động viên mình. Bác sĩ nói chuyện rất thoải mái khiến mình bớt lo lắng đi nhiều”.
Phẫu thuật thành công, anh Hải tìm thấy tinh trùng để tạo phôi. Tuy nhiên, lần chuyển phôi đó, may mắn chưa ghé thăm gia đình khi que thử thai vẫn không xuất hiện hai vạch, mang tin vui đến gia đình anh chị.
“Mình chuyển phôi 2 lần nhưng kết quả là vẫn về con số 0, vẫn chưa thấy hai vạch. Lúc đấy mình buồn, thất vọng lắm”, chị Thơm nhớ lại.
Kiên trì trên hành trình “tìm con”, năm 2022 vợ chồng anh Hải chị Thơm quyết tâm quay lại bệnh viện. Bác sĩ Việt lại là người trực tiếp thực hiện ca mổ tìm tinh trùng cho anh. Kết quả sau phẫu thuật, anh Hải tìm thấy tinh trùng đủ để tạo phôi.
Sau 19 ngày chuyển phôi, chị Thơm đi siêu âm và được bác sĩ thông báo đã có thai.
“Mình mừng nhưng chắc chồng mình mừng gấp đôi. Mọi người ai cũng phấn khởi chúc mừng hai vợ chồng”, chị Thơm nhớ lại.
Trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng con yêu đã tới với gia đình anh Hải - chị Thơm như một phép màu, điều mà trước đây anh Hải chưa bao giờ dám nghĩ tới khi biết mình “vô tinh”.
Tháng 7 năm 2023, vợ chồng anh Hải – chị Thơm hạnh phúc đón chào một thiên thần nhỏ kháu khỉnh.
Anh Hải không khỏi xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc con chào đời: “Ngồi chờ bên ngoài phòng mổ, nghe thấy tiếng con khóc là mình khóc theo luôn”.
Nguồn: [Link nguồn]
Phần lớn mọi người nhận thức được căng thẳng có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý, nhưng không ngờ rằng nó có thể tác động đến khả năng sinh sản ở cả nam lẫn nữ. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng thụ thai khó khăn.