Không có thực phẩm bẩn, Bộ Y tế vẫn dạy dân?

Trong khi Bộ Y tế phải ra văn bản hướng dẫn người dân phân biệt thực phẩm sạch, bẩn thì trong cuộc “vi hành” của Sở Y tế lại cho kết quả “sản phẩm nào cũng sạch".

Sáng 28/1, Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND quận Hai Bà Trưng về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn dịp giáp Tết Nguyên đán.

Không có thực phẩm bẩn, Bộ Y tế vẫn dạy dân? - 1

Test nhanh mẫu tương ớt tại cửa hàng (Ảnh: VNN)

Khi đi kiểm tra nhiều quầy hàng ở chợ Hôm, đoàn thanh tra không phát hiện sản phẩm vi phạm chất lượng, không đảm bảo VSATTP.

Quầy hàng đầu tiên mà đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra là quầy hàng bán đồ khô. Sản phẩm tương ớt đóng chai (của công ty Nguyễn Nghiêm) được test nhanh ngay tại chỗ. Kết quả cho thấy không có hóa chất bảo quản bị cấm.
 
Sản phẩm tiếp theo là măng tươi. Khi được thanh tra Sở hỏi về nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ, chủ quầy hàng cho biết mua sản phẩm này ở chợ Đồng Xuân và không có hóa đơn do đây chỉ là “hoạt động mua bán tự do”.
 
Đoàn thanh tra đã lấy sản phẩm măng tươi này để về làm xét nghiệm. Một sản phẩm măng khô khác trong chợ cũng được lấy mẫu xét nghiệm.
 
Ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết dịp Tết, sản phẩm măng (tươi, khô) đều tiêu thụ mạnh sẽ kết quả kiểm tra các mẫu măng này sẽ có sớm để người dân có thể yên tâm tiêu dùng.
 
Các mẫu giò chả, bánh dày ở cửa hàng 70 Trần Xuân Soạn cũng được test ngay tại chỗ để kiểm tra xem có hàn the hay không. Tuy nhiên, kết quả cho thấy các sản phẩm đều “sạch”, không chứa hàn the hoặc chất bảo quản bị cấm!
 
Bên cạnh đó, đối với các quầy bán chè nấu sẵn dọc phố Trần Xuân Soạn, mặc dù chủ cửa hàng “vô tư” để những nồi chè đang nghi ngút khói giữa vỉa hè đông đúc người qua lại mà không có dụng cụ che đậy. Phía bên trên những nỗi chè này là hàng loạt các âu chứa chè nguội được đậy qua loa bằng lớp túi bỏng mỏng dính. Tuy nhiên cũng chỉ bị cơ quan chức năng “nhắc nhở”.
 
Cách đó không xa là sạp bán bánh bao và vô số những túi kẹo bọc lạc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như hạn sử dụng. Và sau khi kiểm tra, Đoàn cũng chỉ “nhắc nhở”.
 
Tại thời điểm này, thông tư 30 về quản lý thức ăn đường phố đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận bởi chất lượng của loại thức ăn này đã ở mức báo động.
 
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, trưởng phòng ATVSTP – Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng – cho biết mới nhận được công văn về thông tư này từ ngày 25/1 vừa qua. Hiện nay, cơ quan này đang lên kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung của thông tư trên.
 
Theo báo cáo của UBND quận Hai Bà Trưng, trong năm 2012, các cơ quan chức năng của quận đã tiêu hủy 21kg thịt cua bể, 28,4kg chất phụ gia, ớt bột, hạt hướng dương, … và hơn 1 tấn thịt chân giò muối vì những sản phẩm này không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.
 
Bộ Y tế hướng dẫn dân ăn sạch?

 
Đầu tháng 1/2013, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra một số gợi ý giúp người dân lựa chọn thịt gà, vịt, thịt lợn, rau, măng khô không chứa chất lưu huỳnh và các chất bảo quản.

Cụ thể: đối với thịt gà, ngan, vịt làm sẵn nên chọn loại có màu sắc tự nhiên (từ trắng ngà đến vàng tươi), mắt sáng. Da kín, lành lặn, không có vết bẩn, vết bầm, mốc meo hoặc vết lạ.
 
Với các loại rau, quả không mua rau đã héo úa, dập nát hay có dấu hiệu bất thường như "quá mập", "quá phồng" hoặc dính các hạt bụi nhỏ. Đối với thịt lợn chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Với măng khô nên chọn măng có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duyên Duyên (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN