Không chăm “cậu nhỏ” từ bé dễ vô sinh
Không ít những biến chứng nam khoa như vô sinh, ung thư dương vật, ung thư tinh hoàn… lại bắt nguồn từ sự chủ quan của cha mẹ khi chăm sóc cho các bé trai ngày nhỏ.
Gần 60% bé trai bất thường về bộ phận sinh dục
Thấy con có biểu hiện đái dắt và kêu đau buốt mỗi khi đi tiểu, vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh (Thanh Trì, Hà Nội) đành đưa cậu con trai lên 4 đi khám. Tại viện, bé Minh Hải được các bác sĩ chẩn đoán viêm niệu đạo mà nguyên nhân chính do bé bị hẹp bao quy đầu bẩm sinh. Theo giải thích của bác sĩ, vì bé bị hẹp bao quy đầu bẩm sinh, không được vệ sinh sạch sẽ nên đóng cặn phía trong. Do vậy, bé Hải bị viêm nhiễm sinh dục và dẫn tới viêm nhiễm ngược dòng thành viêm đường niệu đạo. Theo chỉ định của bác sĩ, song song với điều trị viêm, bé Hải cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để nong bao quy đầu.
Theo BS. Nguyễn Thế Lương, BV Thận Hà Nội, tỷ lệ trẻ nam gặp các vấn đề về nam khoa khá phổ biến, trong đó có hẹp, dính bao quy đầu hay ẩn tinh hoàn. Ông Lương dẫn chứng, chương trình sàng lọc phát hiện các bất thường bộ phận sinh dục ở bé trai tuổi đầu đời tại 35 trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục ở quận Hoàn Kiếm mới đây cho thấy, chỉ có 38,24% trẻ phát triển bình thường, 17,38% trẻ cần chú ý vấn đề vệ sinh hàng ngày do dính, bám dính bao quy đầu, viêm nhiễm và 42,29% cần can thiệp chuyên khoa ở các dạng khác nhau.
Theo BS. Lương, việc can thiệp khá đơn giản, tuy nhiên cần được pháp hiện sớm. Với những ca hẹp bao quy đầu nếu không được xử lý sớm sẽ khiến bé đi tiểu khó, thậm chí thấy đau, khóc, nước tiểu ra không hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần thành những cục cặn to, gây viêm nhiễm. Đáng ngại là dễ viêm nhiễm ngược dòng, viêm tiết niệu, viêm bàng quang, viêm thận. Thậm chí, để cặn tích tụ lâu dài còn là nguyên nhân dẫn đến ung thư dương vật.
BS. Nguyễn Khắc Lợi, BV Nam học và hiếm muộn cho biết: “Hẹp bao quy đầu ở trẻ nam rất nhiều, ngày nào ở viện cũng xử lý nong bao quy đầu cho 3-4 trường hợp. Ở nhiều lứa tuổi khác nhau, thường từ 3 tuổi, thậm chí có nhiều trường hợp gần 30 tuổi, chuẩn bị lập gia đình mới tìm đến viện để xử lý hẹp bao quy đầu”.
Ông Lợi khuyến cáo, với hẹp hay dính bao quy đầu nên đưa đến cơ sở y tế để xử lý càng sớm càng tốt, tránh đau đớn cũng như các biến chứng viêm nhiễm do bệnh gây ra. Cũng theo ông Lợi, để phát hiện trẻ nhỏ có hẹp bao quy đầu hay không cha mẹ có thể vạch da quy đầu của trẻ xem lỗ có hẹp không hoặc quan sát lúc đi tiểu xem tia nước ra sao. Nếu tia nước nhỏ như cái kim, trẻ khó tiểu, thậm chí da phần quy đầu phồng lên do nước và chất cặn bã tích lại thì chắc chắn trẻ bị hẹp bao quy đầu.
“Để khắc phục, khi trẻ 5 - 6 tháng tuổi, mỗi lần tắm cho con, bố mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian, tình hình không cải thiện cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn”, ông Lợi cho hay.
Thông thường, ca nong bao quy đầu hẹp thường chỉ phải làm 1 lần, với trường hợp dính nhiều mới phải làm đến lần thứ 2. Sau nong, cha mẹ sẽ được tư vấn cách giúp trẻ hoặc trẻ sẽ được tư vấn cách vệ sinh và tự lột bao quy đầu.
Tinh hoàn ẩn… dễ dẫn đến vô sinh
Kết quả của chương trình sàng lọc phát hiện các bất thường bộ phận sinh dục ở trẻ nam tuổi đầu đời cũng cho thấy, trong số hơn 42% trẻ cần can thiệp chuyên khoa, có 56 trẻ cần can thiệp càng sớm càng tốt vì trẻ thiếu tinh hoàn, cá biệt có 16 trường hợp thiếu cả hai bên tinh hoàn.
Theo BS. Nguyễn Khắc Lợi, đây là bệnh dễ phát hiện, vì “có thể sờ thấy được”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà nhiều cha mẹ dù biết bệnh của con nhưng không đưa đến viện sớm. Có thể là sợ trẻ còn nhỏ, động dao kéo vào không tốt nên cố đợi con lớn mới đến viện, cũng có trường hợp cá biệt cha mẹ “quên bẵng” đi sự khuyết thiếu tinh hoàn của con. Thực tế, ở những trẻ có tinh hoàn ẩn, trước 1 tuổi tinh hoàn có thể tự di chuyển dần xuống bìu. Nhưng sau 1 tuổi, khả năng này thường rất thấp.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh nhân tinh hoàn ẩn nếu được điều trị khi quá 15 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên chỉ còn 15%. Điều trị từ giữa 9-12 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên là 30%; giữa 5-8 tuổi là 40%; giữa 2-3 tuổi là 50% và giữa 1-2 tuổi là 90%. Tỷ lệ tinh trùng thấp là nguyên nhân đe dọa sức khỏe sinh sản. Với tinh hoàn ẩn 1 bên, tỷ lệ không có tinh trùng là 20 - 25%, nếu tinh hoàn ẩn cả 2 bên, tỷ lệ không có tinh trùng là 60-80%.
Theo ông Lợi, trẻ bị tinh hoàn ẩn không quá nguy hiểm. Điều quan trọng là phải phát hiện sớm và mổ kịp thời để tránh những biến chứng như teo nhỏ hoặc xoắn tinh hoàn khiến sau này trẻ mất cơ hội “duy trì nòi giống”. Thậm chí, khi tinh hoàn lạc ẩn trong ổ bụng, bị “thiêu cháy” bởi nhiệt độ cơ thể không chỉ khiến thể tích tinh hoàn nhỏ, không sản xuất tinh trùng nữa… mà nguy hại hơn là nguy cơ ung thư tinh hoàn rất cao. “Do vậy, khi phát hiện ra cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc sau này cho trẻ”, ông Lợi chia sẻ.