Khói nhang muỗi hóa chất tiềm ẩn nguy cơ ung thư phổi

Sự kiện: Ung thư

Khói nhang muỗi làm từ thành phần hóa học chứa bụi mịn, hóa chất độc có khả năng gây hại tế bào, tăng nguy cơ mắc ung thư phổi nếu sử dụng trong thời gian dài.

Mùa hè là thời điểm muỗi sinh trưởng nhanh, nhiều gia đình diệt muỗi bằng cách thắp nhang. Sản phẩm có tác dụng diệt và đuổi muỗi hiệu quả, chi phí thấp nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu nhang làm từ thành phần hóa học.

Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trước đây phần lớn nhang muỗi làm từ vật liệu thực vật như bột gỗ, bột vỏ dừa, bột hương, chất kết dính, thuốc nhuộm, chất oxy hóa... Loại vật liệu này có thể giúp nhang cháy âm ỉ trong khoảng 8 giờ. Trong đó hợp chất axit este pyrethrin tự nhiên, có khả năng diệt sâu bọ, chiếm khoảng 0,3-0,4% khối lượng.

"Nguồn nguyên liệu trong tự nhiên để làm nhang này ngày nay hiếm", bác sĩ Thơm nói, thêm rằng hiện nhiều loại nhang làm từ thành phần hóa học nhằm tăng hiệu suất diệt và đuổi muỗi. Trong đó một số loại nhang trong thành phần có 0,25% là pyrethroid - hóa chất diệt côn trùng, sâu bọ, thường được dùng trong thuốc trừ sâu. Hóa chất này có thể gây tổn thương các tế bào phế nang phổi, biến đổi gene nếu tiếp xúc nhiều.

Nhiều loại chứa chất độc S-2 (octachlorodipropyl ether), khi đốt cháy bay hơi và phân hủy thành bis (chloromethyl) ether. Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thế Thu, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đây là chất gây ung thư phổi mạnh, có thể gây độc qua tiếp xúc với da, mắt, đường hô hấp.

Khói phát thải từ nhang làm bởi thành phần hóa học còn chứa nhiều khí độc CO, CO2, NO2, SO2, formaldehyde. Chúng cũng có hợp chất hữu cơ dễ bay hơi độc hại như benzene, toluene, xylene, aldehyd và hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) kèm theo một số kim loại nặng như chì, sắt, magie...

"Nhang muỗi dù thành phần hóa chất hay tự nhiên, khi đốt cháy đều giải phóng một lượng hạt vật chất siêu mịn như PM 2.5 micron, gây ô nhiễm không khí", bác sĩ Thu nói. Bụi mịn PM 2.5 micron chứa các chất độc hại có thể thâm nhập sâu vào phổi, hệ tuần hoàn. Nếu tiếp xúc thường xuyên có thể gây bệnh về đường hô hấp, tai mũi họng, làm trầm trọng thêm các bệnh viêm mũi xoang, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và các bệnh lý tim mạch. Lâu dài có thể gây tổn thương tế bào và hình thành tế bào ung thư.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đăng trên Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia (Mỹ) cho thấy một cuộn nhang muỗi khi cháy thải ra lượng bụi mịn PM2.5 tương đương đốt 75-137 điếu thuốc lá. Lượng formaldehyde phát thải tương đương đốt 51 điếu thuốc lá.

Pyrethroid trong nhang muỗi, bình xịt muỗi là hóa chất tổng hợp tương tự Pyrethrins tự nhiên còn có thể gây nên các vấn đề về sức khỏe cho động vật trên cạn và dưới nước.

Nghiên cứu của Viện Y học và Độc chất Phân tử, Đại học Y Chung Shan (Đài Loan) dựa trên 147 bệnh nhân ung thư phổi nguyên phát và 400 đối chứng cho thấy một tuần đốt nhang muỗi làm từ thành phần hóa học trên 3 lần, tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 3 lần so với người không sử dụng. Tuy nhiên theo bác sĩ Thu, vẫn cần có những nghiên cứu lớn hơn để đánh giá tác hại của hương muỗi đến sức khỏe.

Ngoài ra, hít nhiều khói nhang muỗi cũng có thể dẫn đến các vấn đề như bỏng mắt, đỏ mắt và kích ứng, buồn nôn và nôn. Một số trường hợp ho từng cơn, thở khò khè, hắt hơi liên tục và đau họng.

Tiếp xúc thường xuyên với khói nhang muỗi hóa chất tăng nguy cơ ung thư phổi. Ảnh minh họa: Hải Âu

Tiếp xúc thường xuyên với khói nhang muỗi hóa chất tăng nguy cơ ung thư phổi. Ảnh minh họa: Hải Âu

Để phòng chống muỗi, bác sĩ khuyên loại bỏ các nơi muỗi có khả năng sinh trưởng, lấp ao tù đọng nước, đậy chặt nắp bể nước, chum, vại. Thường xuyên cắt tỉa cây cỏ quanh khu vực sống, phát quang bụi rậm, không để chúng mọc um tùm. Dọn dẹp nhà cửa và các khu vực xung quanh luôn khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, ngăn nắp. Buổi tối, gia đình nên đóng cửa chính và cửa sổ để ngăn muỗi, đồng thời bật đèn, quạt máy, sử dụng vợt bắt muỗi, tinh dầu tự nhiên để xua muỗi. Lắp cửa lưới chống muỗi cũng là cách xua đuổi loại côn trùng này an toàn.

Tránh mặc quần áo tối màu để không thu hút muỗi. Mắc màn khi ngủ. Trồng một số loại cây chống muỗi như bạc hà, húng quế, hương thảo... quanh nhà, trước các cửa. Phun định kỳ thuốc diệt muỗi sinh học quanh khu vực sống.

Nếu sử dụng nhang muỗi, nên chọn loại có thành phần tự nhiên, tuy nhiên không nên lạm dụng. Cần đốt nhang ở những khu vực thông thoáng, tránh đốt trong phòng kín và đặt xa vật dụng dễ cháy. Không dùng khi gia đình có người đang mắc bệnh hô hấp hoặc tiền sử bệnh hen.

Thịt chế biến sẵn, đồ nướng, đồ chiên, đồ uống nhiều đường... đều là các thực phẩm mà tế bào ung thư yêu thích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trịnh Mai ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN