Khóc cười xét nghiệm ADN
Để tìm lại người thân hay con cái của mình sau bao năm lưu lạc hoặc nghi ngờ “không chính chủ ”, nhiều người không còn cách nào khác phải nhờ tới giám định ADN. Không ít người vỡ òa trong hạnh phúc và cũng lắm người chết lặng khi nhận kết quả xét nghiệm.
Trả lại con sau ba tháng bị… nhầm
Sau sinh ba tháng, chị H. ở Định Quán, Đồng Nai trằn trọc không ngủ được. Hạnh phúc khi có cậu con trai kháu khỉnh, nhưng trong lòng chị H. cứ cồn cào lẫn ưu phiền. “Hình như nó không phải là con đẻ của mình”- chị suy nghĩ.
Chị băn khoăn bởi trước đó, hàng chục lần siêu âm, khám thai, các bác sĩ phụ sản đều xác nhận con chị là bé gái. Nhưng nay thì con trai. Chị hối thúc chồng và người thân trong nhà đi xét nghiệm ADN để tìm ra sự thật nhưng không ai đồng ý.
Vào đầu tháng 1/2013, chị H. sinh con ở Bệnh viện Đa khoa Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Sau sinh mẹ tròn con vuông, chị được các phụ tá nơi đây trao cho bé trai cũng kháu khỉnh. Cả nhà hơi buồn vì kết quả siêu âm trước đó cái thai trong bụng chị là con gái. “Chúng tôi cứ nghĩ kết quả siêu âm không chính xác nên cũng không có băn khoăn gì”- chồng chị H. nói.
Xét nghiệm ADN tại Trung tâm Gentis. Ảnh: L.N.
Cùng đợt sinh với chị H. là chị N. Cả hai vào sinh cùng giờ, nằm cùng giường. Sau ca mổ, chị N. và người nhà được báo chị vừa hạ sinh bé gái. Lại nhầm, bởi trước đó siêu âm, chị và người thân được biết mình sẽ sinh con trai. Cả nhà đều hớn hở vì trai hay gái không quan trọng, bởi mẹ tròn con vuông.
Theo bác sĩ Biên, có không ít khách hàng đến phân tích ADN khi nhận được kết quả không phải là con mình lại mong các bác sĩ ghi kết quả ngược lại. “Họ tâm sự không muốn rời xa đứa bé vì đã sống, yêu thương nhau bao năm rồi”- bác sĩ Biên nói. Nhưng chẳng thể làm gì được vì sự thật vẫn là sự thật dù họ có mua chuộc.
Hai người mẹ vừa sinh con ở chung một phòng, cùng một bệnh viện nên hôm nào cũng rủ rỉ thì thầm chuyện chồng con với nhau.
Trước khi xuất viện, chị H. và chị N. còn trao nhau số điện thoại để sau này sẻ chia. Cuối tháng 3 vừa qua, không chịu nổi day dứt, chị H. đến Trung tâm Dịch vụ phân tích di truyền Gentis ở văn phòng phía Nam để xét nghiệm ADN.
Chị H. nói: “Ba tháng nay tôi cứ sống trong phấp phỏng lẫn nghi ngờ. Thực ra tôi thấy đứa con trai mà tôi đang chăm sóc không có nét gì giống người thân trong gia đình nên tôi muốn tìm hiểu thực hư”.
Chồng không chấp nhận đi cùng chị H. và con trai đến xét nghiệm ADN, thế là chị âm thầm mang cuống rốn đứa trẻ đến Trung tâm Xét nghiệm huyết thống. “Tôi quá hồi hộp khi nhận được kết quả từ trung tâm”- chị nói và vui mừng khôn xiết khi kết quả cho thấy chị và “con trai” không cùng huyết thống.
Không giấu được người thân nữa, chị H. quyết định trình bày sự thật. Ai cũng ngỡ ngàng, vì lâu nay nội ngoại cứ mong có đứa cháu trai nhưng bây giờ nó lại không huyết thống. “Khi tôi thông báo, cả chồng và gia đình chồng đều sốc. Nhưng sự thật vẫn là sự thật”- chị H. kể.
Để khẳng định lại chắc chắn, nhân viên xét nghiệm của văn phòng Gentis gọi điện khuyên cả hai vợ chồng đưa cháu lên lấy mẫu máu xét nghiệm lần nữa. Kết quả cho rõ ràng, cả chồng, chị H. và con đều không có huyết thống. Chị H. nhớ lại chị N., người cùng sinh đều ngày với mình và ở chung phòng. Chị H. điện thoại cho chị N. trình bày sự việc. “Tôi nói với N. về việc con mình không huyết thống. Có không sự nhầm lẫn ở đây, chị N. nói nếu vậy thì cùng nhau xét nghiệm ADN thử xem”- chị H. bộc bạch.
Từ Vũng Tàu, chị N. cùng chồng và con gái lên TPHCM xét nghiệm ADN. Kết quả thực sự sốc cho cả gia đình chị N. khi con gái không cùng huyết thống. Anh Ngô Thành Quân - Giám đốc Chi nhánh phía Nam của Gentis cho biết đã kiểm tra chéo giữa hai cặp vợ chồng và con cái, cuối cùng, mới phát hiện họ đã nhầm con.
“Từ kết quả của giám định ADN, cuối cùng chúng tôi đã trả lại con đẻ cho họ. Bệnh viện Đa khoa Long Khánh cũng thừa nhận đã trao nhầm con”- anh Ngô Thành Quân nói.
3 lần xét nghiệm mới tìm ra bố
Cách đây một năm, một phụ nữ đưa con cùng một người đàn ông đến Trung tâm phân tích di truyền Gentis để xác định ADN. Nhưng kết quả cho thấy, người đó không phải là bố. Lần sau, vẫn chị ta lại đưa con và người đàn ông khác đến, kết quả cũng như lần trước. Phải đến lần thứ ba, chị mới tìm được người cha của con mình.
Bác sĩ cho biết, phụ nữ thường biết rõ con mình sinh ra là của ai, nhưng vẫn chối đây đẩy hoặc cứ vin con mình cho một người nào đó để bắt buộc họ phải có trách nhiệm nuôi con hoặc chu cấp.
Anh Phương kể, có những cụ già lúc lâm chung, thấy “vợ con” dẫn tới xin bịt khăn tang. Cả nhà chồng đều sững sờ chẳng biết “vợ con” ở đâu từ trên trời rơi xuống nhận người thân của mình là chồng, là cha. Thế là cả đoàn kéo nhau đi làm xét nghiệm. Có trường hợp đích thực, biết người quá cố “ăn chả” nhưng cũng có trường hợp phát hiện muốn mượn danh ăn ké, đòi chia di chúc tài sản.
Nơi thu mẫu xét nghiệm ADN. Ảnh: L.N.
Một buổi chiều đầu tháng sáu, ông Thắng cùng cô gái trẻ khoảng 25 tuổi, bồng bế cậu nhóc chừng 10 tháng tuổi tới Phòng Xét nghiệm di truyền ở quận 11. Ai cũng tưởng ông đưa con cháu đi xét nghiệm ADN, nhưng khi hỏi ra mới biết ông Thắng bị cô bồ nhí ép phải đi làm ADN để xác định có phải cậu nhóc kia là con ông hay không.
68 tuổi, ông Thắng không muốn đến Trung tâm ADN làm xét nghiệm, nhưng cô gái trẻ cứ một mực đòi ông đi nếu không sẽ “khủng bố” cả gia đình. Sợ vợ con biết mình “ăn vụng” nên ông đành nhắm mắt nghe lời cô bồ nhí. Bỏ 10 triệu, chờ trong 4 tiếng để có kết quả nhanh, ông Thắng mừng rơn người khi kết quả cho thấy cậu con trai kia là “tác phẩm” của một người khác. Ông hí hửng ra về, trên tay cầm kết quả để vợ ông và các con tin.
Sống với nhau năm năm, khi đứa con trai lên bốn tuổi, anh Hoàng Văn H, ở quận 7 vẫn nghi ngờ đó không phải là hòn máu của mình. “Con càng lớn, tôi cứ thấy nó giống ai chứ không giống mình nên hai cha con âm thầm dẫn nhau đến trung tâm xét nghiệm kiểm tra. Hóa ra nó chả có huyết thống với con tôi”- anh H, buồn rầu.
Bực bội, anh lao vào rượu chè. Có khi gây gổ với vợ con. Vợ anh H, lúc nào cũng bảo sao anh bê tha, không thương con, nhưng anh H bảo “đó có phải con tôi đâu mà thương”. Thế là vợ chồng cãi nhau. Vợ anh H. tự tin: “Nếu không phải con anh thì đi xét nghiệm ADN đi”. Rút cuộc sự thực vỡ lở, gia đình anh H. tan đàn xẻ nghé.
Theo Thạc sĩ sinh học Ngô Đức Phương- Phó tổng giám đốc Gentic, nhiều khi nhận kết quả sẽ làm gia đình người khác hạnh phúc hơn, nhưng cũng có khi làm cho gia đình người giám định chia rẽ.
“Rất nhiều ông bố đưa con đi xét nghiệm và kết quả chửng hửng vì bao nhiêu năm nay mình phải nuôi con người ta”- anh Phương kể và nói thêm: “Kết quả khoa học dù có phũ phàng nhưng, đổi lại phần nào mang lại sự thanh thản, thậm chí giải tỏa áp lực, nghi ngờ cho người đi làm xét nghiệm”.
Bác sĩ Biên ở Phòng Xét nghiệm ADN kể, từng đón một người phụ nữ cùng hai người đàn ông đến làm xét nghiệm cho con. Cả hai đều tranh giành đứa con mà người phụ nữ đang cưu mang là con mình. Nhưng khi xét nghiệm xong, kết quả chỉ có một người đàn ông cùng huyết thống.
Bác sĩ Biên cho biết, khi nhận kết quả xong, người chồng chính thống của cô gái gầm hét như điên dại. “Tôi thấy ông ấy lao ra giữa dòng xe cộ như muốn tự tử, bởi người vợ đã cho mình cắm sừng lâu nay mà không hay biết” - bác sĩ Biên nhớ lại.
Có cả tình và tiền
70 tuổi, ông Hoàng tự tin khẳng định mình không còn khả năng duy trì nòi giống. Vì vậy, khi quen một em gái 21 tuổi bán cà phê ở thành phố Biên Hòa, ông cứ vô tư làm “chuyện ấy”. Đến một ngày cô gái mang cái bụng thình lình đến nhà ông ăn vạ, ông mới tá hỏa. Lúc nào ông Hoàng chối bay, “tui đâu có quan hệ mà có bầu. Tuổi tui đâu còn sức để sinh con”. Nhưng sau khi sinh con, cô gái ấm ức làm rùm beng và đòi đưa nhau đi xét nghiệm.
Không còn cách nào khác, ông Hoàng đưa cả cô gái, con và người thân đi xét nghiệm. Nhận được kết quả, ông Hoàng sửng sốt khi biết đó là con của mình. Để làm dịu vợ và các con, ông Hoàng năn nỉ, các anh em ở Trung tâm Xét nghiệm thay đổi kết quả nhưng không thể.
Hơn năm năm sau ngày thành lập, anh Phương, anh Quân đã trải qua hàng chục vụ mua chuộc bằng tiền, thậm chí cả tình chỉ để thay đổi kết quả. Nhưng theo anh Quân, chẳng có ai làm được chuyện đó, bởi máy móc đã cho kết quả, con người không thay đổi được.