“Khóc cười” chuyện đặt vòng mà vẫn có thai

Sự kiện: Mang thai

Các chuyên gia khuyến cáo, không có biện pháp tránh thai nào là tối ưu cho tất cả mọi người. Do đó, trước khi áp dụng một biện pháp tránh thai cụ thể, chị em nên đến cơ sở y tế, các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để khám sức khỏe và nghe tư vấn về biện pháp tránh thai phù hợp.

“Khóc cười” chuyện đặt vòng mà vẫn có thai - 1

Với những chị em đặt vòng tránh thai, nên kiểm tra định kỳ để xác định vị trí chiếc vòng. Ảnh minh họa

Chiếc vòng “lạc lối”

Chị Như Ngọc (ở Hà Nam) đến giờ vẫn chưa tin mình đang mang bầu ở tháng thứ 5. Chồng chị và một số người bạn thân thiết vẫn luôn trêu chị: “Có cái vòng trong người mà rơi ra lúc nào cũng không biết”. Và quả thực, chị Ngọc cũng không hề hay biết chiếc vòng tránh thai “biến mất” từ khi nào.

Theo lời chị Ngọc, sau khi sinh cậu con trai đầu lòng được 8 tháng và bắt đầu có kinh nguyệt trở lại, chị liền nghĩ đến các biện pháp tránh thai lâu dài. Qua tìm hiểu trên mạng và sự tư vấn của cộng tác viên dân số ở địa phương, vợ chồng chị quyết định đặt vòng tránh thai.

Với tâm lý đinh ninh chiếc vòng là “bùa hộ mệnh” an toàn nên hai vợ chồng chị vô tư “thả” mỗi lần gần gũi. Tuy nhiên, khoảng 4 tháng sau khi đặt vòng, chị Ngọc thấy người mệt mỏi, hay nôn khan vào lúc sáng sớm, các dấu hiệu giống hệt lúc chị mang thai lần đầu. Nghi ngờ sức khỏe có điều gì không ổn nhưng chị Ngọc lại không nghĩ đến việc mình có thai. Kể cả khi chồng chị đề cập đến chuyện mua que về thử, chị vẫn khăng khăng: “Đang đặt vòng, có bầu sau được”. Mãi đến khi 2 vạch đỏ căng đét trên que thử thai đập vào mắt, chị mới sững người.

“Lúc ấy, tôi hoang mang thật sự, không hiểu vì sao dùng vòng tránh thai mà vẫn có thai. Đến khi đi siêu âm, bác sĩ thông báo thai nhi đã được hơn 7 tuần, đã có tim thai, tôi mới “ngã ngửa”. Và điều bất ngờ là khi siêu âm, không hề thấy hình ảnh chiếc vòng tránh thai. Theo lời bác sĩ, có lẽ, chiếc vòng trong người tôi đã bị tuột rơi ra ngoài khiến tôi “dính” bầu”, chị Ngọc chia sẻ.

Tương tự, vợ chồng chị Trang (ở Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) cũng bị “vỡ kế hoạch” vì chiếc vòng tránh thai “lạc chỗ”. Chị Trang cho biết, vợ chồng chị tổ chức lễ cưới hồi đầu năm. Do chưa ổn định về kinh tế, công việc nên vợ chồng quyết định kế hoạch 1-2 năm đầu. Sau khi bàn tính kỹ lưỡng, anh chị quyết định đặt vòng tránh thai vì được biết phương pháp này hiệu quả tránh thai cao, an toàn, ít tác dụng phụ và chi phí thực hiện cũng khá rẻ.

Đặt vòng được chừng hơn 1 tháng, chị Trang bị rong kinh, đau bụng dưới. Nghĩ do tác dụng phụ khi đặt vòng tránh thai, chị Trang chủ quan không đi khám. Nào ngờ, gần 2 tháng sau, chị Trang nhận về kết quả siêu âm chị đang mang bầu và chiếc vòng tránh thai bị lệch khỏi vị trí ban đầu. Bác sĩ nhắc chị phải khám thai thường xuyên để theo dõi sự “biến chuyển” của chiếc vòng.

Theo các bác sĩ sản khoa, dụng cụ tử cung hay còn gọi là vòng tránh thai là một vật nhỏ bằng nhựa được đặt vào tử cung. Vòng tránh thai có nhiều loại, phổ biến hiện nay là vòng chữ T và hình cánh cung. Khi sử dụng vòng tránh thai, chiếc “vòng” này sẽ có tác dụng ngăn không cho trứng và tinh trùng “gặp nhau” cũng như cản trở quá trình trứng làm tổ ở niêm mạc tử cung. Đây là một trong những biện pháp tránh thai được đánh giá an toàn, đạt hiệu quả cao (khoảng 99%). Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có một số phụ nữ đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có thai ngoài ý muốn. Theo thống kê, cứ 1.000 ca thực hiện đặt vòng tránh thai thì có 8 ca thất bại. Nguyên nhân là do thao tác đặt không đúng, vòng bị tuột rơi ra ngoài hoặc lệch khỏi vị trí ban đầu dẫn đến hiệu quả tránh thai thấp.

Những nguy cơ dễ làm tuột, biến dạng vòng tránh thai

BS Nguyễn Thị Loan, phụ trách Phòng khám sản - phụ khoa Hồng Loan (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trường hợp chị em đặt vòng nhưng vẫn có con và sinh con không phải là hiếm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, có thể do vòng bị tuột, rơi ra ngoài sau khi đặt. Trường hợp này thường xảy ra trong 3 tháng đầu đặt vòng và nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt. Một số chị em làm việc nặng, mang vác nhiều đồ cũng dễ khiến vòng tránh thai bị áp lực đẩy xuống thấp và tăng nguy cơ rơi ra ngoài. Một nguyên nhân khác là do trong sinh hoạt hàng ngày, vòng tránh thai bị tác động lệch khỏi vị trí ban đầu hoặc bị biến dạng nên không đạt được hiệu quả tránh thai như mong muốn.

Bên cạnh đó, thời điểm đặt vòng cũng rất quan trọng, quyết định khá nhiều đến hiệu quả mà vòng tránh thai mang lại. Cụ thể, không đặt vòng quá sớm sau khi sinh, nhất là sinh mổ, khi tử cung chưa hồi phục, dễ gây tuột vòng hoặc lệch vòng. Do đó, với chị em sinh thường muốn đặt vòng ngay, cũng phải đợi từ 4-6 tuần. Còn với chị em sinh mổ thường là từ 12 tuần sau sinh và có kinh nguyệt trở lại có thể đặt vòng. Với những phụ nữ sau hút thai, phá thai, chị em cũng nên để sức khỏe bình phục và chu kỳ kinh trở lại đều đặn mới tiến hành đặt vòng tránh thai.

Theo BS Loan, sau khi đặt vòng tránh thai, chị em nên nghỉ ngơi và tránh làm việc nặng (bê đồ nặng, tập thể thao, lên xuống cầu thang...) và cũng nên hạn chế quan hệ tình dục để vòng tránh thai được ổn định trong buồng tử cung. BS Loan cho biết thêm, dấu hiệu để nhận biết vòng đã bị tuột ra ngoài hoặc lệch khỏi vị trí thường là rong huyết và đau bụng dưới. Tuy nhiên, một số trường hợp lại không để lại bất kỳ triệu chứng nào khiến chị em khó có thể nhận biết. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, chị em cần đi kiểm tra định kỳ để xác định vị trí của chiếc vòng tránh thai. Trong trường hợp sau khi đặt vòng, chị em bị ra máu nhiều bất thường, rong huyết, đau bụng âm ỉ, chị em cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và can thiệp kịp thời nếu có bất thường xảy ra, tránh những tác hại không đáng có đối với sức khỏe.

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M (Bệnh viện Từ Dũ TPHCM), với những trường hợp có thai khi đặt vòng, chị em cần được bác sĩ theo dõi quá trình phát triển của thai nhi kèm theo chiếc vòng. Nếu chiếc vòng lệch thấp, nó sẽ được can thiệp để lấy ra. Nếu vòng ở vị trí cao, nằm ngoài túi thai thì lúc sinh, chiếc vòng sẽ cùng với nhau thai tuột ra ngoài. Thực tế, trên thế giới, có trường hợp thai nhi khi được sinh ra còn “cầm” theo chiếc vòng tránh thai trên tay.

Các chuyên gia sản khoa cho biết, hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai, mỗi biện pháp đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Không có biện pháp tránh thai nào là tối ưu cho tất cả mọi người. Do đó, trước khi áp dụng một biện pháp tránh thai cụ thể, chị em nên đến cơ sở y tế, các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để khám sức khỏe và được tư vấn về các biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe, công việc và hoàn cảnh gia đình, đảm bảo đem lại hiệu quả tránh thai tốt nhất cho người dùng.

Những ai không nên đặt vòng tránh thai?

Các chuyên gia khuyến cáo, những trường hợp chị em bị viêm vùng chậu cấp, viêm sinh dục trên, tiền sử viêm sinh dục trên, đang mắc hoặc có nguy cơ cao những bệnh lây truyền qua đường tình dục, tiền sử thai ngoài tử cung, hiếm muộn, chưa có con; các trường hợp thiếu máu, xuất huyết âm đạo bất thường, rong kinh, rong huyết, thống kinh… cần cân nhắc sử dụng phương pháp đặt vòng tránh thai. Nếu muốn đặt vòng, cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Bỗng dưng tiểu buốt, người phụ nữ ngỡ ngàng thấy vòng tránh thai trong bàng quang

Bệnh nhân L., 33 tuổi cho biết, chị đã đặt dụng cụ tránh thai cách đây 8 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Thùy ([Tên nguồn])
Mang thai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN