Khổ sở vì đặt vòng rồi mà vẫn “dính quả”
Những chuyện hy hữu này không chỉ làm chị em khổ sở vì vỡ kế hoạch mà còn khiến các cơ quan chức năng hết sức “đau đầu” trong việc giải quyết các chế độ hưởng bảo hiểm xã hội cho họ.
Không được hưởng bảo hiểm
Vào ngày 29.7, P.T.L (24 tuổi, công nhân Công ty F.T thuộc KCX Linh Trung 1) đi đặt vòng tránh thai tại Phòng khám An An Bình (tỉnh Bình Dương). Sau đó, cô được công ty giải quyết cho nghỉ 7 ngày theo giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do phòng khám này cấp.
Chả hiểu sao, chưa đầy 3 tuần sau, tức ngày 17.8, L. phát hiện mình có thai và phải trở lại Phòng khám An An Bình để điều hòa kinh nguyệt. Theo giấy chứng nhận của phòng khám, thai của cô đã được 5 tuần tuổi và yêu cầu công ty cho L. tiếp tục nghỉ theo chế độ hưởng BHXH 20 ngày.
Tương tự, Đ.T.A (32 tuổi, làm cùng công ty với L.) đi đặt vòng tại Phòng khám Hoàn Hảo (Bình Dương) và được duyệt cho nghỉ hưởng BHXH từ ngày 10 đến 16.9. Và A. cũng lại dính bầu sau khi tưởng đã “an toàn trên xa lộ”. Ngày 1.10, tức đúng 3 tuần sau ngày đặt vòng, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) chẩn đoán cô bị sẩy thai 4 tuần và cấp giấy nghỉ 10 ngày theo chế độ hưởng BHXH.
Việc vỡ kế hoạch như trên không những đã ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các nữ công nhân, mà còn khiến họ không được hưởng chế độ nghỉ BHXH.
Các chứng từ do cơ sở y tế cấp cho các nữ công nhân A. và L., cho thấy các cô đã đặt vòng và sau đó vẫn có thai, khiến một cô thì sẩy thai, cô kia phải đi điều hòa kinh nguyệt. Ảnh: Đ.ANH
Công ty của L. cho biết, BHXH TP.HCM đã không đồng ý thanh toán bảo hiểm cho 20 ngày nghỉ “điều hòa kinh nguyệt” của cô và yêu cầu công ty xuất toán. Nghĩa là L. không được hưởng lương theo chế độ BHXH trong các ngày đó. Về trường hợp của A., cơ quan BHXH thành phố đang xem xét và nhiều khả năng cũng sẽ yêu cầu xuất toán.
Theo phòng nhân sự Công ty F.T, quan điểm của cơ quan bảo hiểm cho rằng trường hợp có thai như các cô là vô lý.
Có thể kiện phòng khám
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Ngọc Hải - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ - cho biết, không có biện pháp tránh thai nào tuyệt đối. Tỷ lệ vỡ kế hoạch đối với phương pháp triệt sản đã là 0,5 - 1%. Các biện pháp khác (tức đình sản như canh chu kỳ rụng trứng, đặt vòng, uống thuốc ngừa thai, bao cao su…) còn có tỷ lệ cao hơn nữa.
Đối với phương pháp đặt vòng, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ “lọt lưới”, các cơ sở y tế phải tuân thủ nguyên tắc chỉ được tiến hành đặt vòng trên những phụ nữ đã được làm các xét nghiệm theo đúng quy định. Thông thường, chỉ đặt vòng sau 1 đến 2 ngày kể từ khi sạch kinh nguyệt.
Đồng thời, phải kiểm tra, thám sát lòng tử cung trước khi đặt vòng để bảo đảm người phụ nữ không mang thai trong giai đoạn “cửa sồ”. Tức là, cũng có khả năng họ đã đậu thai trong những lần quan hệ vào những ngày vừa dứt chu kỳ kinh. Hoặc có trường hợp hiếm hơn, trứng đã thụ tinh nhưng vẫn còn ở trên vòi trứng, chưa di chuyển vào làm tổ trong tử cung. Kết quả dẫn đến đặt vòng xong mà vẫn có thai.
Đại diện BHXH TP.HCM cho biết, nếu rơi vào các tình huống rủi ro như giới y khoa đã nêu ở trên thì có hai vấn đề phải đặt ra. Thứ nhất, các trường hợp này rất hiếm và BHXH thành phố chưa ghi nhận. Thứ hai, làm sao chứng minh được ca đó có rơi vào giai đoạn “cửa sổ” hay không?
Theo BHXH thành phố, ở trường hợp của cô A. và L., căn cứ vào các ngày nghỉ cho thấy, các cô này đã dính bầu trước khi đặt vòng ít nhất từ 1 đến 2 tuần. Chắc chắn việc thăm khám trước khi đặt vòng cho bệnh nhân của các cơ sở y tế trên là có vấn đề. Nếu không đồng ý với quyết định xuất toán của cơ quan BHXH, công nhân có thể làm đơn khiếu nại. Trong trường hợp của A. và L., cơ sở y tế đã tiến hành đặt vòng phải chịu trách nhiệm.