Khó nuốt, dấu hiệu cảnh báo bệnh trọng?

Sự kiện: Sống khỏe

Chứng khó nuốt là tình trạng gặp khó khăn trong quá trình nuốt thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Nguyên nhân gây bệnh thường do các vấn đề về thần kinh hoặc cơ. Chứng khó nuốt có thể là biểu hiện của những bệnh trọng nên mọi người không được chủ quan.

1. Khó nuốt là gì?

Khó nuốt là một thuật ngữ y khoa chỉ sự khó khăn khi nuốt thức ăn. Triệu chứng này thường do bệnh lý ở vùng thực quản gây ra. Số ít các trường hợp là bệnh lý ở vùng hầu họng hoặc do sự chèn ép vào thực quản

2. Triệu chứng của bệnh

Ở trường hợp nhẹ, bệnh nhân không nhận thức được bản thân đang bị khó nuốt. Chính vì không được chẩn đoán và điều trị sẽ làm tăng nguy cơ viêm phổi hít do nhiễm trùng phổi khi vô tình hít phải nước bọt hoặc thức ăn

Các triệu chứng liên quan đến chứng khó nuốt:

- Hay bị nghẹn khi ăn.

- Ho hoặc nôn khan khi nuốt.

- Chảy nước dãi.

- Thức ăn hoặc axit dạ dày trào ngược vào cổ họng.

- Hay bị ợ chua, khàn giọng.

- Có cảm giác thức ăn mắc kẹt trong cổ họng, ngực hay sau xương ức.

- Sụt cân không rõ nguyên nhân.

- Nôn trớ. Khó kiểm soát thức ăn trong miệng.

- Gặp khó khăn khi nuốt thức ăn.

- Viêm phổi tái phát.

- Không kiểm soát được nước bọt trong miệng.

Yếu tố nguy cơ

- Sự lão hóa: Hay gặp ở người lớn tuổi do sự suy yếu toàn bộ cơ thể theo thời gian. Ngoài ra, một số bệnh của tuổi già như bệnh Parkinson cũng có thể gây ra chứng khó nuốt.

- Bệnh lý thần kinh: rối loạn hệ thần kinh nào đó trong cơ thể

Đi khám ngay nếu cảm thấy khó nuốt thức ăn

Đi khám ngay nếu cảm thấy khó nuốt thức ăn

3. Nguyên nhân gây khó nuốt là gì?

Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:

- Do bị hẹp thực quản vì viêm thực quản nặng: Viêm thực quản do trào ngược acid là bệnh lý khá phổ biến có thể sẽ gây ra tình trạng khó nuốt

- Bị ung thư thực quản: người bệnh cũng có thể mắc phải triệu chứng khó nuốt do các khối u phát triển và làm hẹp lòng thực quản.

- Hẹp thực quản do nguyên nhân khác: sau xạ trị thực quản hoặc phẫu thuật, uống phải chất tẩy rửa hay chất hóa học có thể gây phá hủy...

- Màng ngăn hay vòng thực quản: là những khối u lành tính phát triển từ mô thực quản, gây tình trạng khó nuốt

- Đờ thực quản: Người bệnh bị đờ thực quản sẽ có cơ không thể co lại để đẩy thức ăn xuống dạ dày, ngoài ra, việc cơ thắt và mở không đúng thời điểm cũng sẽ làm cho thức ăn không thể qua thực quản để xuống dạ dày một cách dễ dàng và gây ra khó nuốt.

- Mắc các bệnh lý thần kinh khác

- Chèn ép từ bên ngoài vào thực quản: Sự chèn ép từ bên ngoài vào các cấu trúc cạnh thực quản cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng khó nuốt ở người bệnh

- Túi thừa thanh hầu: Đây là một căn bệnh hiếm gặp khi túi thừa tận cùng tách ra từ phần thấp nhất của họng là hạ họng làm người bệnh có cảm giác nuốt nghẹn và cảm giác luôn có gì đó vướng ở trong cổ họng, ho, khó thở và nôn ra thức ăn.

4. Xét nghiệm nào có thể được chỉ định?

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh và có thể chỉ định:

- Nội soi: Ống nội soi này sẽ được đưa qua miệng, vào trong thực quản và xuống thẳng dạ dày và hành tá tràng, nhờ vậy mà bác sĩ có thể quan sát được bên trong thực quản, dạ dày và hành tá tràng.

- Chụp ba-rít cản quang: giúp tìm ra bệnh lý trong thực quản.

- Các xét nghiệm khác có thể được cân nhắc: Đo áp lực thực quản; Chiếu điện quang; Theo dõi pH; Xét nghiệm máu hay chụp quét như chụp cộng hưởng từ (MRI).

5. Có thể là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm

Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến:

- Viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp trên.

- Suy dinh dưỡng: khó nuốt nên cơ thể không nhận được đủ các chất dinh dưỡng.

- Mất nước: Thường khó nuốt, nuốt nghẹn hay đi cùng với hiện tượng nôn có thể dẫn đến tình trạng mất nước trong cơ thể.

- Viêm nắp thanh quản: xảy ra khi nắp thanh quản - một "nắp" sụn nhỏ bao phủ khí quản, bị sưng lên, cản trở luồng không khí vào phổi gây đau họng nghiêm trọng, sốt, khàn giọng, có tiếng rít khi hít vào, khó thở, khó nuốt… Đây là một tình trạng nguy hiềm có thể đe dọa đến tính mạng, cần phải cấp cứu ngay

Bên cạnh đó, nuốt khó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh ung thư nguy hiểm như: ung thư vùng khoang miệng, họng miệng, thanh quản; ung thư thực quản; ung thư tuyến giáp...

- Ung thư thực quản: xảy ra khi một khối u ung thư ác tính hình thành trong lớp niêm mạc của thực quản, có thể gây khó nuốt, ợ chua và giảm cân.

- Ung thư dạ dày: các tế bào ung thư hình thành trong niêm mạc dạ dày, vị trí của khối u có thể gây khó nuốt.

6.Điều trị chứng khó nuốt

Rèn luyện thể dục thể thao và lối sống lành mạnh giúp phòng bệnh

Rèn luyện thể dục thể thao và lối sống lành mạnh giúp phòng bệnh

- Việc điều trị tùy thuộc vào việc xác định nguyên nhân gây khó nuốt. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị khi nguyên nhân là ung thư.

- Với người bệnh mắc chứng nuốt khó cần có chế độ ăn với các thức ăn lỏng, dễ nuốt nhưng phải đảm bảo đầy đủ dưỡng chất.

- Nếu bệnh nhân có nguy cơ bị viêm phổi, suy dinh dưỡng hoặc mất nước, có thể cho ăn qua ống thông mũi-dạ dày.

7. Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng ngừa chứng nuốt khó, nuốt nghẹn, cần:

- Hạn chế ăn đồ ăn quá nóng, quá cay.

- Không hút thuốc lá, uống rượu bia.

- Luôn giữ sức khỏe thân thể và tinh thần bằng cách rèn luyện thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh.

- Sinh hoạt khoa học, kiểm soát tốt stress.

Nguồn: [Link nguồn]

Cảnh báo: Khó thở đi kèm hụt hơi, dấu hiệu trào ngược dạ dày chuyển biến xấu

Thường xuyên gặp khó khăn trong việc hít thở, hụt hơi hay phải gắng sức để hít lấy thật nhiều không khí vào… là những gì bạn đang phải trải qua. Tình trạng này xảy ra...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS Phạm Minh Thắng ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN