Khi nào nên dùng kháng sinh cho trẻ?
Theo chuyên gia, mọi người chỉ dùng kháng sinh khi xác định nhiễm khuẩn. Còn lại, không nên lạm dụng loại thuốc này, tránh gây hại đến cơ thể.
Nhiều trẻ phải nhập viện vì bố mẹ tự ý dùng kháng sinh.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, việc sử dụng kháng sinh quá nhiều một phần do nhận thức của người dân chưa đầy đủ. Có nhiều người chỉ cần có triệu chứng ho hay một vết cắt cũng có thói quan tự ý dùng kháng sinh.
Các chuyên gia cảnh báo, kháng sinh hay bất cứ loại thuốc nào đều có tác dụng phụ. Do đó, trong trường hợp cần thiết mới nên sử dụng kháng sinh. Nguyên tắc là chỉ dùng kháng sinh khi xác định nhiễm khuẩn. Còn lại, không nên lạm dụng loại thuốc này, tránh gây hại đến cơ thể.
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, trên thực tế, khi thấy con bị ốm, sốt, nhiều cha mẹ liền cho con sử dụng các loại thuốc hạ sốt, thậm chí cho uống cả thuốc kháng sinh. Việc làm này đôi khi vừa không cần thiết vừa có nguy cơ gây hại cho trẻ.
Bởi lẽ, đứa trẻ cần được các bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh, sau đó mới quyết định có nên dùng thuốc kháng sinh hay không. Nếu chỉ là sốt virus thông thường, không bị bội nhiễm vi khuẩn thì không cần thiết phải sử dụng kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở đứa trẻ.
Sai lầm thứ hai nhiều phụ huynh hay mắc phải là không tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng kháng sinh cho trẻ.
“Ví dụ, nhiều trường hợp, bác sĩ kê đơn dùng kháng sinh trong 5-7 ngày nhưng khi phụ huynh cho con dùng đến ngày thứ 2, thứ 3 thấy con khỏi bệnh, lập tức ngừng không cho con sử dụng thuốc nữa. Việc làm này hết sức nguy hiểm do vi khuẩn chưa được “tiêu diệt” triệt để nên đứa trẻ rất dễ tái phát bệnh và có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề, khó điều trị hơn”, BS Nguyễn Trung Cấp phân tích.
BS Cấp cho biết thêm, cũng có trường hợp, sau khi dùng hết liều lượng kháng sinh do các bác sĩ kê đơn mà bệnh chưa khỏi, phụ huynh lại tự ý mua thuốc kháng sinh về dùng hoặc đổi sang loại thuốc khác. Điều này là không nên, phụ huynh phải đưa con đi tái khám để bác sĩ đánh giá khả năng đáp ứng của thuốc, xem xét phương án đổi thuốc hay tiếp tục sử dụng. Không nên sử dụng thuốc bừa bãi, tránh gây hại cho trẻ.
Bác sĩ cũng chỉ ra sai lầm trong việc “chậm trễ” trong việc cho trẻ sử dụng kháng sinh. Tức là, một số phụ huynh có quan niệm, dùng nhiều kháng sinh sẽ “hại người” nên thường hạn chế cho trẻ dùng. Tuy nhiên, chính lo lắng quá mức này khiến bố mẹ thường chủ quan không cho trẻ dùng kháng sinh ngay cả khi trẻ có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn, phải sử dụng kháng sinh để ngăn chặn kịp thời. Sự chậm trễ này khiến việc điều trị cho đứa trẻ sẽ khó khăn hơn nhiều.
Do đó, BS Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, để kháng sinh không gây hại cho sức khỏe của trẻ, phụ huynh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, uống đúng thuốc kê toa, đúng liều lượng, đúng thời gian và liệu trình.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đa số các trường hợp trẻ bị viêm họng không cần dùng kháng sinh. Bởi viêm họng cấp là bệnh rất thường gặp ở trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm bệnh hay bị lạm dụng kháng sinh trong điều trị nhất. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là virus (chiếm 70-80%). Trong đó, chủ yếu là các virus đường hô hấp; kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng.
Bệnh thường tự khỏi sau 3-7 ngày, vì thế cha mẹ không nên cho trẻ dùng kháng sinh trong các trường hợp này. Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên thì dùng thuốc hạ sốt.
Nếu ho nhiều, cha mẹ cho con dùng các loại thuốc ho tây y hoặc đông y như mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh... dùng thuốc long đờm, dùng thuốc co mạch, rửa mũi khi bé chảy mũi, tắc mũi…
Sốt virus là bệnh dễ lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa.