Khi nào nên cho trẻ bị chảy máu cam đến bác sĩ?
Chảy máu cam (hay chảy máu mũi) xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Đây là hiện tượng hết sức phổ biến, xuất hiện nhiều nhất ở trẻ từ 2-10 tuổi. Chảy máu mũi thường xảy ra nhiều hơn vào buổi sáng.
Con tôi gần 3 tuổi, thỉnh thoảng lại bị chảy máu cam. Mỗi khi cháu bị như thế tôi đều cho cháu nằm ngả đầu ra sau một lúc để cầm máu và cháu lại chạy nhảy bình thường. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy rất lo lắng. Mong chuyên mục tư vấn, chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không? Khi nào thì nên cho trẻ đi khám bác sĩ?
Minh Hương (Nghệ An)
Bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ khi:
- Không cầm máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu trong vòng 20 phút.
- Chảy máu mũi tái đi tái lại nhiều lần.
- Máu chảy nhanh hoặc mất nhiều máu (hơn một cốc đầy).
- Chảy máu do chấn thương, ví vụ ngã hay bị đấm vào mặt.
- Cảm thấy người yếu, chóng mặt.
- Máu chảy xuống phần sau họng chứ không chảy ra phần trước mũi kể cả khi trẻ đã ngồi ngả đầu về phía trước. Trường hợp chảy máu sau này luôn cần đến sự trợ giúp của bác sĩ.
- Chảy máu mũi khi dùng một loại thuốc mới.
- Cháy máu mũi đi kèm các vết tím bầm dập trên khắp cơ thể hoặc đi kèm chảy máu ở khu vực khác như xuất hiện máu trong phân, nước tiểu.
- Đang dùng thuốc chống đông máu.
- Trẻ có bệnh toàn thân khác ảnh hưởng tới đông máu như bệnh gan, bệnh thận, bệnh he- mophilia.
- Mới trải qua hóa trị liệu.
Các biện pháp phòng ngừa chảy máu mũi trở lại:
- Trẻ cần được nghỉ ngơi ít nhất trong vòng 2 giờ (hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, vẽ tranh hay xem tivi).
- Không cho trẻ uống đồ nóng, thức ăn nóng hay tắm nước nóng trong vòng ít nhất 24 giờ sau khi chảy máu cam.
- Động viên trẻ không ngoáy mũi hay xì mũi trong vòng 24 giờ (1 tuần nếu trẻ đã được “đốt” điểm mạch).
- Trong vòng 1 tuần, trẻ cần tránh các hoạt động mạnh hay các môn thể dục như chạy, tránh nhấc vật nặng.
- Nếu trẻ bị táo bón thì cho uống nhiều nước và tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn. Nếu cần thì yêu cầu bác sĩ cho thuốc làm mềm phân để trẻ không phải rặn.
- Có thể làm ẩm niêm mạc mũi bằng kem làm ẩm hoặc nước muối sinh lý.
Nếu chảy máu trở lại:
- Xì mũi để tống hết các khối máu đông ra ngoài.
- Dùng thuốc co mạch tại chỗ (Afrin hoặc Rhinex) nhỏ vào lỗ mũi bị chảy máu.
- Nhắc lại các bước sơ cứu nêu ở phần trên. Thực hiện động tác bóp hai cánh mũi trong vòng 10 phút.
Một khi đã xuất hiện tình trạng chảy máu mũi trước, khu vực này sẽ nhạy cảm hơn nhiều và rất dễ chảy máu trở lại nếu niêm mạc mũi chưa bình phục hoàn toàn. Lúc này vòng xoắn luẩn quẩn sẽ tiếp tục. Từ chỗ vài tuần mới có một lần chảy máu cam, khi niêm mạc mũi bị tổn thương nặng dần, trẻ có thể bị 4-5 lần chảy máu liên tục. Hiện tượng chảy máu cam chỉ ngừng lại khi niêm mạc mũi bình phục. Vì vậy bạn nên giữ cho niêm mạc mũi được ẩm. Có thể bôi một chút kem vaseline vào phần trước của vách ngăn mũi. Số lần bôi tùy vào từng trẻ. Nếu bé thường xuyên chảy máu mũi thì cần bôi 2 lần mỗi ngày cho tới khi không còn chảy máu cam trong vài ngày liên tục.